Giáo sư Nhật: Giao lưu con người khiến quan hệ Việt-Nhật sâu sắc hơn

Giáo sư Go Ito (Đại học Meiji) cho rằng nhờ vào sự phát triển ngày một mạnh mẽ của hoạt động giao lưu giữa người dân hai nước, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Giáo sư Nhật: Giao lưu con người khiến quan hệ Việt-Nhật sâu sắc hơn ảnh 1Giáo sư Go Ito trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ chính trị và kinh tế với Nhật Bản, do vậy hai bên cần phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế tương hỗ và giao lưu con người.

Đây là nhận định của giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meiji đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản về quan hệ hợp tác hai nước nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Nhật Bản từ ngày 29/5 đến 2/6.

Đề cập những yếu tố giúp quan hệ Nhật Bản và Việt Nam có bước phát triển được đánh giá là tốt đẹp nhất từ trước đến nay, giáo sư Ito chỉ rõ có hai yếu tố lớn, là cả hai nước đều có những mối quan tâm chung về các thách thức an ninh và việc ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam theo học tại Nhật Bản.

Theo ông Ito, trước hết, hai nước đều quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, với yếu tố thứ hai, số du học sinh Việt Nam học tập tại Nhật Bản đang tăng nhanh và nếu như xu hướng này tiếp tục thì không chỉ đơn giản là quan hệ hợp tác về giáo dục mà còn là sự giao lưu văn hóa, đào tạo dạy nghề, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế phát triển, tạo nên sự gắn kết về chính trị.

Giáo sư Đại học Meiji nhấn mạnh giao lưu của con người là nguồn gốc của mọi quan hệ, vì vậy, nhờ vào sự phát triển ngày một mạnh mẽ này, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Đánh giá về thị trường đầu tư Việt Nam, giáo sư Ito nhấn mạnh Việt Nam trở thành quốc gia đối tác cho hoạt động đầu tư trực tiếp và thương mại của Nhật Bản.

Ông Ito lưu ý rằng trong quãng thời gian 20 năm, Việt Nam đã tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế trong nước, Nhật Bản cũng trọng dụng những nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, qua đó giúp kinh tế hai nước có bước phát triển. Đến Việt Nam đầu tiên là các "đại gia" Yamaha, Canon. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực đồ chơi, thiết bị y tế… cũng mở nhà máy sản xuất tại đây.

Ông chỉ rõ các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á, hoặc Nam Á, mà còn vươn sang thị trường lớn hơn như Nhật Bản và Mỹ.

Giáo sư Ito nêu rõ trong thời gian qua, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu trong các lĩnh vực xe máy, văn phòng, song nếu Nhật Bản tăng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thì điều này không chỉ góp phần giúp quan hệ song phương càng được thắt chặt, mà còn đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Nhật Bản và đổi lại thanh niên Việt Nam được tiếp thu các kiến thức kỹ thuật mới tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, giáo sư Ito cũng cho rằng dù giao lưu hợp tác kinh tế và giao lưu nhân dân giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, song xét về quy mô, hoạt động của Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn hạn chế và chưa đạt hiệu quả cao theo đúng tiềm năng hợp tác hai bên.

Đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với quan hệ hai nước, giáo sư Ito nhắc lại chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam hồi đầu năm ngoái trên cơ sở bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ song phương.

Ông nêu rõ chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật Bản là hoạt động giao lưu cấp nguyên thủ giữa hai nước, làm xuất phát điểm cho việc tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực trong tương lai.

Theo ông, chuyến thăm lẫn nhau giữa nguyên thủ hai nước thể hiện mức độ hữu nghị trong quan hệ song phương. Trên cơ sở ý nghĩa đó, ông nhấn mạnh chuyến thăm này lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Nhật Bản là một dấu mốc quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục