Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tiếp nhận các hiện vật hiến tặng di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) do Ủy ban Nhân dân phường Vạn Phúc và Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc hiến tặng.
Hiện vật do Ủy ban Nhân dân phường Vạn Phúc hiến tặng bao gồm: khung cửi truyền thống của làng lụa Vạn Phúc và tủ trưng bày sản phẩm lụa của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, chủ nhà trước đây của ngôi nhà. Đây là những hiện vật tiêu biểu, được cán bộ và nhân dân phường Vạn Phúc gìn giữ, bảo quản qua nhiều năm.
Những hiện vật này sẽ được bổ sung cho công tác trưng bày “Không gian dệt lụa” của di tích, hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2021).
[Giới thiệu nhiều bức ảnh tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh]
Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông) là một trong 14 địa điểm thuộc hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Đây là địa chỉ gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1975, hiện do Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội-Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trực tiếp quản lý.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đánh giá cao những đóng góp của Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông, Ủy ban Nhân dân phường Vạn Phúc, Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, các cụ cao niên trong Ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Những hiện vật được hiến tặng cho di tích có giá trị lịch sử, khoa học, giáo dục, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hà Đông.
Ngày 4/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 3639/BVHTTDL-DSVH về việc chuẩn bị hồ sơ nâng cấp di tích cấp Quốc gia Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại Vạn Phúc (Hà Đông) lên di tích quốc gia đặc biệt để xứng tầm với vị thế của di tích này.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội chủ trì tham mưu, lập hồ sơ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Việc bổ sung các hiện vật có giá trị sẽ góp phần chứng minh giá trị đặc biệt của di tích./.