Hàn Quốc: Đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đạt được ít tiến triển

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Mỹ đang có một dạng tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên nhưng việc này đạt được rất ít tiến triển theo hướng có thể tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào.
Hàn Quốc: Đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đạt được ít tiến triển ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam. (Nguồn: Yonhapnews)

Ngày 10/11, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam nhận định rằng mặc dù Mỹ đang có một dạng tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên nhưng việc này đạt được rất ít tiến triển theo hướng có thể tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong báo cáo trình Ủy ban Đối ngoại và Thống nhất của Quốc hội Hàn Quốc, ông Lim nêu rõ giữa Mỹ và Hàn Quốc đang thường xuyên có các hoạt động giao lưu và tiếp xúc được thực hiện thông qua tuyến đối thoại 1,5 hay giao lưu học thuật, tuy nhiên chưa có tiến bộ chi tiết nào được ghi nhận.

Trả lời câu hỏi của một nghị sỹ, ông Lim, cho rằng các nỗ lực và cách tiếp cận của Mỹ đối với Triều Tiên ở một chừng mực nào đó đang đem lại một số kết quả.

[Mỹ và Triều Tiêu có khả năng sẽ tham gia thảo luận trong tháng 12]

Cùng ngày, ông Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và từng là trợ lý đặc biệt cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), cho biết Mỹ và Triều Tiên có khả năng sẽ tham gia các cuộc thảo luận đa phương tại hội nghị của Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) vào tháng 12 tới.

Ông Cossa nêu rõ Triều Tiên đã được mời và nhiều khả năng sẽ tham gia hội nghị nói trên.

Ông đồng thời cho biết giới chức Triều Tiên đang thăm dò để làm rõ sự sẵn sàng của Chính phủ Mỹ trong việc tham gia đối thoại chính thức và với những điều kiện nào.

Cũng theo ông Rossa, Mỹ đang tìm cách tận dụng các cuộc thảo luận không chính thức giữa các quan chức cấp thấp của Triều Tiên với các nhà phân tích và các cố vấn Mỹ - được gọi là đối thoại kênh 2, để điều chỉnh và thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa những quan chức chính phủ cấp cao, còn gọi là đối thoại kênh 1.

Đối thoại kênh 2 đã được duy trì một cách không thường xuyên trong năm nay, bất chấp việc Bình Nhưỡng tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa và việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tấn công Triều Tiên với "lửa thịnh nộ."

Trước đó một ngày, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Triều Tiên, sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo "thời gian đang hết dần" đối với Bình Nhưỡng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục