Hàng loạt nguyên nhân khiến dầu thô thế giới sụt giá thảm hại

Giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới đã lao dốc hơn 6% trước tình hình sản lượng khai thác tăng mạnh tại Saudi Arabia và kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ khá dồi dào.
Hàng loạt nguyên nhân khiến dầu thô thế giới sụt giá thảm hại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: kinibiz.com)

Giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong ngày 8/4 đã lao dốc hơn 6% vì các nhà đầu tư lo ngại trước tình hình sản lượng khai thác tăng mạnh tại Saudi Arabia cộng với kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ khá dồi dào.

Theo số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York, trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 8/4, giá dầu thô ngọt nhẹ Brent Biển Bắc, giao tháng Năm, giảm 3,55 USD, tương đương với 6%, xuống còn 55,55 USD/thùng.

Giá dầu thô WTI của Mỹ trong ngày thậm chí còn mất giá tệ hại hơn, tới 3,56 USD, tương đương với 6,6%, xuống còn 50,42 USD/thùng.

Trước đó, ngày 7/4, giá dầu thô WTI tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng hơn 4 tháng qua, đạt xấp xỉ 54 USD/thùng.

Theo ông John Kilduff, chuyên gia thuộc công ty vốn Again Capital LLC, thông báo của Mỹ về nguồn dầu thô trong các kho dự trữ chiến lược tuần trước tăng đột biến thêm 10,95 triệu thùng, gấp ba lần mức dự báo của các chuyên gia, lên 482,39 triệu thùng, là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung vượt quá xa so với nhu cầu.

Mức tăng 10,95 triệu thùng là mức tăng lớn nhất trong một tuần của các kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ kể từ năm 2001. Riêng các kho dự trữ dầu tại bang Oklahoma trong tuần trước tăng thêm 1,2 triệu thùng. Nguồn dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh là do nhập khẩu tăng thêm 869.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, các nhà đầu tư càng lo lắng khi nhận được thông báo nói rằng trong tháng Ba vừa qua, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia đạt 10,3 triệu thùng/ngày. Đây là sản lượng khai thác cao kỷ lục trong một tháng của vương quốc có trữ lượng dầu thô lớn nhất nhì thế giới này.

Bên cạnh đó, phát biểu của hai quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về khả năng Fed vẫn bắt đầu tăng lãi suất cơ bản trong tháng Sáu tới, bất chấp đà phục hồi chậm hơn của thị trường lao động, cũng là nguyên nhân làm cho dầu thô mất giá thảm hại trong ngày 8/4.

Trước đó, một số quan chức khác của Fed để ngỏ khả năng không tăng lãi suất trước nửa cuối năm 2016 vì lo ngại sẽ tác động tới đà phục hồi của nền kinh tế và sự cải thiện của thị trường việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục