Hổ Sumatra ở Indonesia vẫn đang bị săn trộm tràn lan

Hổ Sumatra là một trong những loài hổ còn sót lại cuối cùng ở Indonesia sau khi loài hổ Bali và Java đã bị tuyệt chủng, nhưng hiện nay sự tồn tại của nó vẫn đang bị đe dọa.
Hổ Sumatra ở Indonesia vẫn đang bị săn trộm tràn lan ảnh 1Hổ Sumatra tại vườn thú ở London, Anh ngày 3/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cảnh sát tỉnh Jambi của Indonesia và các quan chức Bảo vệ Tài nguyên Địa phương (BKSDA) đã bắt giữ một người đàn ông tên là Marsum (45 tuổi), cư dân của quận Tanjab Timur, thu giữ 1 con hổ và một số xương hổ.

Marsum thừa nhận đã sử dụng một dây điện dài 900m để bắt con hổ Sumatra, loài động vật quý hiếm, được bảo vệ tại Indonesia.

Đó là một con hổ Sumatra cái chỉ mới khoảng hai tuổi. Marsum khai nhận rằng anh ta muốn bán da hổ Sumatra với giá 105 triệu Rupiah (tương đương khoảng gần 9.000 USD). Anh ta đã bị bắt trước khi kịp giao dịch với người mua.

Phát ngôn viên của cảnh sát Jambi, Ahmad Haydar cho biết cảnh sát sẽ mở rộng điều tra vụ việc để tìm đường dây tiêu thụ da hổ.

Hổ Sumatra là một trong những loài hổ còn sót lại cuối cùng ở Indonesia sau khi loài hổ Bali và Java đã bị tuyệt chủng, nhưng hiện nay sự tồn tại của nó vẫn đang bị đe dọa vì nạn săn bắt trộm và môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.

Những năm gần đây, sự săn bắn tràn lan, cùng với việc mở các khu vực trồng rừng lớn và nạn cháy rừng, đã dẫn đến sự sụt giảm liên tục về số lượng hổ Sumatran được bảo vệ.

Hồi tháng 9 năm ngoái, hai người đàn ông sở hữu một con hổ Sumatra ở Huyện Indragiri Hulu, tỉnh Riau, cũng đã bị bắt giữ với tang vật là tấm da hổ Sumatra còn nguyên vẹn.

Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho biết vẫn còn một thị trường ngầm khá lớn ở châu Á cho việc mua bán các bộ phận và các sản phẩm từ hổ.

Indonesia là quốc gia giàu tính đa dạng sinh học với hơn 300 nghìn loài động vật hoang dã, chiếm 17% số loài trên thế giới.

Bên cạnh đó, đất nước này cũng là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã đặc hữu không được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.

Theo Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), trong thiên nhiên có 259 loài động vật có vú, 282 loài chim đặc hữu và 172 loài đặc hữu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục