Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan muốn sớm chuyển giao quyền lực

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC), Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, các thành viên của TMC không phải là những chính trị gia và họ đang chờ đợi chính phủ được thành lập.
Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan muốn sớm chuyển giao quyền lực ảnh 1Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 17/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn báo Al-Ahram của Ai Cập, Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC), Tướng Mohamed Hamdan Dagalo cho biết quân đội Sudan muốn chuyển giao quyền lực cho một chính phủ được bầu cử dân chủ càng sớm càng tốt.

Tướng Dagalo nói rõ: “Chúng tôi muốn chuyển giao quyền lực ngay ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai."

Cũng theo Tướng Dagalo, các thành viên của TMC không phải là những chính trị gia và họ đang chờ đợi chính phủ được thành lập.

Ngoài ra, ông Dagalo cho biết thêm tiến trình xét xử cựu Tổng thống Omar al-Bashir và một số thân tín đang được xúc tiến.

“Cho đến nay, chúng tôi đã bắt giữ 25 thành viên chính quyền và đang chuẩn bị hồ sơ liên quan đến các tội danh của những nhân vật này,” ông nói.

[Sudan: Đàm phán bế tắc giữa hội đồng quân sự và phong trào biểu tình]

Trước đó, các cuộc đàm phán giữa tướng lĩnh quân đội với lãnh đạo phong trào biểu tình và phe đối lập đã tạm ngừng vào ngày 21/5, nhưng chưa có thời hạn nối lại đàm phán.

Hai bên bất đồng về việc lựa chọn người sẽ lãnh đạo chính quyền mới ở Sudan. Trong khi TMC muốn Tướng Abdel Fattah al-Burhan trở thành người đứng đầu cơ quan quyền lực tối cao mới ở Sudan, thì giới lãnh đạo phong trào biểu tình lại muốn dành vị trí này cho một nhân vật dân sự.

Ngoài ra, TMC còn kiên định quan điểm phải giữ đa số ghế trong cơ quan quyền lực mới.

Cuộc đàm phán đổ vỡ đã khiến lãnh đạo lực lượng biểu tình kêu gọi tiến hành tổng bãi công để gây sức ép với giới tướng lĩnh ở TMC. Tuy nhiên, TMC đã lập tức cảnh báo những người tham gia bãi công có thể sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm.

Trước các diễn biến căng thẳng mới, ba nước trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Sudan là Mỹ, Anh và Na Uy đã ra tuyên bố chung kêu gọi hai bên nhanh chóng đạt thỏa thuận về việc thành lập chính quyền dân sự, chấm dứt tình trạng không rõ ràng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục