Hơn 600 người di cư được cứu ở ngoài khơi Tây Ban Nha

Lực lượng chức năng Tây Ban Nha đã cứu tổng cộng 616 người di cư đi trên khoảng 20 chiếc thuyền, trong đó có cả thuyền kayak, ở ngoài khơi nước này.
Hơn 600 người di cư được cứu ở ngoài khơi Tây Ban Nha ảnh 1Người di cư chờ cứu hộ trên biển Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/6, lực lượng chức năng Tây Ban Nha đã cứu tổng cộng 616 người di cư đi trên khoảng 20 chiếc thuyền, trong đó có cả thuyền kayak, ở ngoài khơi nước này.

Theo cơ quan cứu hộ quốc gia Tây Ban Nha Salvamento Maritimo, những người di cư trên đã được cứu ở trên vùng biển Alboran, phía Đông Địa Trung Hải. Đáng nói, có ba thanh niên đến từ khu vực Bắc Phi đang tìm cách tới Tây Ban Nha trên một chiếc thuyền kayak.

Vụ việc trên diễn ra khoảng tám ngày sau khi 630 người di cư cập cảng Valencia của Tây Ban Nha trên ba chiếc tàu, trong đó có tàu cứu hộ Aquarius của một tổ chức phi chính phủ Pháp.

[Tàu cứ hộ Aquarius chở 630 người di cư cập cảng Tây Ban Nha]

Trước đó, ngày 9/6, tàu Aquarius đã giải cứu những người di cư này ngoài khơi Libya, song Italy và Malta từ chối mở cửa cảng cho tàu, kéo theo vụ tranh cãi quốc tế liên quan đến việc giải quyết vấn đề người di cư.

Một hội nghị thượng đỉnh hẹp giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được tổ chức ngày 24/6 để bàn vấn đề trên, nhưng các bên đã không đưa ra được biện pháp cụ thể nào.

Tây Ban Nha là nước có đông người di cư tìm đến đứng thứ ba trong EU sau Italy và Hy Lạp. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong khi số người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải trong sáu tháng đầu năm nay đã giảm khoảng một nửa so với năm ngoái, thì số người di cư đến Tây Ban Nha lại tăng gấp ba.

Thống kê cho thấy khoảng 12.155 người đã đến Tây Ban Nha và hơn 290 người đã thiệt mạng khi tìm đường đến nước này. Tính riêng trong những tháng đầu năm, đã có 1.000 người di cư bỏ mạng trên Địa Trung Hải.

Trong khi đó, cùng ngày, chính quyền cánh hữu của Tổng thống Chile Sebastian Pinera cho biết sẽ trục xuất 2.000 người nhập cư trái phép đến cuối năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch siết chặt nhập cư mà Chile đưa ra nhằm đối phó với việc hàng trăm nghìn người di cư đến quốc gia sản xuất đồng lớn nhất thế giới này trong bốn năm qua.

Theo người phát ngôn Chính phủ Chile Cecilia Perez, quá trình trục xuất sẽ chia thành ba giai đoạn, trước hết là đối với những người nước ngoài có tiền án, sau đó là những phạm nhân vừa hết án và cuối cùng là những người nhập cư không khai báo tình trạng pháp lý với chính quyền. Theo giới chức Chile, những người không tham gia khai báo tình trạng pháp lý có thể coi là phạm tội.

Trong bốn năm qua, Chile đã trở thành một trong những nước có người nhập cư đông nhất khu vực Mỹ Latinh. Theo số liệu thống kê hồi đầu năm 2018, có tới hơn 1 triệu người nước ngoài ở Chile, tăng gấp đôi so với dự báo trước đó. Khoảng 300.000 người trong số này được cho là sinh sống bất hợp pháp ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục