HSBC dành 1 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng Số tại ASEAN

Với việc công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN, HSBC giúp các doanh nghiệp nền tảng Số đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, phát triển danh mục tài sản, tăng trưởng trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp áp dụng Chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp áp dụng Chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 28/3, Ngân hàng HSBC công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng Số mở rộng quy mô trong bối cảnh nền Kinh tế Số đang bùng nổ trong khu vực.

Mục đích của Quỹ này nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng Số của khu vực đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, phát triển danh mục tài sản và tăng trưởng trong suốt vòng đời của doanh nghiệp.

Lãnh đạo HSBC cho biết Đông Nam Á là một trong những khu vực mà Kinh tế Số tăng trưởng nhanh nhất thế giới đạt giá trị 218 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, với tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%.

Bà Amanda Murphy - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp, Khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Cũng như các doanh nghiệp có hoạt động trên quy mô quốc tế khác, chúng tôi rất hào hứng với nền Kinh tế Số đang bùng nổ tại ASEAN. Với lực lượng lao động thuần thục về Số hóa, đang trên đà tăng trưởng và sẵn sàng tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn - đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử - ASEAN có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Chúng tôi rất vui khi ra mắt Quỹ Tăng trưởng ASEAN đầu tiên và hợp tác với các công ty Số hóa khi họ mở rộng kinh doanh trong khu vực và trên thế giới.”

Quỹ Tăng trưởng ASEAN của HSBC cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp đang gia tăng quy mô thông qua các nền tảng Số trên khắp Đông Nam Á. Quỹ hỗ trợ những doanh nghiệp kinh tế mới, các doanh nghiệp lâu đời hơn và các tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua đánh giá các chỉ số hoạt động liên quan đến danh mục tài sản sinh dòng tiền, thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào các chỉ số tài chính truyền thống.

Lãnh đạo HSBC cho biết, tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này cho đến năm 2025. Kinh tế Số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Dự báo số người dùng điện thoại thông minh sẽ đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp Số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành.

IMG_7845_resized.jpg
HSBC dành 1 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng Số tại ASEAN. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN là một phần không thể thiếu trong câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam. Khi nhìn về tương lai, chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội mới mà lĩnh vực này mang lại cho nền kinh tế. Các số liệu và động lực cho thấy cơ hội này rất lớn, chúng tôi rất ấn tượng với dòng vốn FDI và thương mại ngày càng tăng giữa Việt Nam và các thị trường ASEAN khác. Đặc biệt ý nghĩa với Việt Nam chính là nền Kinh tế Số đang tăng trưởng, cùng với thị trường tiêu dùng của Việt Nam, tôi tin rằng nền Kinh tế Số sẽ sớm trở thành một trong những trụ cột quan trọng cho câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam.”

Cũng theo ông Ahmed Yeganeh, HSBC đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi và đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp, giúp họ nắm bắt những cơ hội cũng như khả năng kết nối khách hàng thông qua mạng lưới và dịch vụ toàn cầu của HSBC.

Mới đây, HSBC đã khảo sát 600 công ty hoạt động tại Đông Nam Á. Kết quả cho thấy 42% người tham gia khảo sát chọn “Số hoá hoạt động” là ưu tiên hàng đầu trong kinh doanh, theo sau là mục tiêu “tăng trưởng tại Đông Nam Á” (40%) và “nghiên cứu và phát triển” (37%).

Để giúp nắm bắt tăng trưởng trong nền Kinh tế Số đang bùng nổ, 65% doanh nghiệp dự định tăng cường đầu tư vào hoạt động Số hoá doanh nghiệp của mình, ưu tiên này chỉ đứng sau “mở rộng ra các thị trường mới trong Đông Nam Á” (66%).../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục