Indonesia: Số trẻ em tử vong liên quan tới thuốc ho của Ấn Độ gia tăng

Số trẻ tử vong vì thương tổn thận cấp tính (AKI) ở Indonesia đã tăng lên 133 em so với con số 99 em được báo cáo trước đó và hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.
Indonesia: Số trẻ em tử vong liên quan tới thuốc ho của Ấn Độ gia tăng ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Indonesia ngày 21/10 cho biết số trẻ tử vong vì thương tổn thận cấp tính (AKI) ở nước này đã tăng lên 133 em so với con số 99 em được báo cáo trước đó.

Ông Budi Gunadi Sadikin cho hay các trường hợp tử vong này ở 22 tỉnh của nước này và hầu hết là trẻ em dưới 5 tuổi.

Quan chức này ngày 20/10 cho biết một số siro chữa ho bán ở Indonesia do một công ty của Ấn Độ sản xuất chứa chất ethylene glycol và diethylene glycol, những thành phần có liên quan đến AKI gây tử vong ở trẻ em.

Indonesia đã tạm thời cấm bán và kê đơn tất cả các loại thuốc sử dụng 2 hoạt chất trên và thành lập một nhóm chuyên gia bao gồm các quan chức y tế, nhi khoa địa phương và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xem xét việc gia tăng đột biến số ca AKI ở trẻ em nước này.

[Indonesia phát hiện hợp chất gây rối loạn bệnh thận cấp tính]

Ngày 11/10 vừa qua, cảnh sát Gambia công bố một báo cáo điều tra sơ bộ cho rằng 69 trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tại nước này liên quan đến 4 loại siro trị ho được sản xuất tại Ấn Độ và nhập khẩu qua một công ty dược phẩm có trụ sở tại Mỹ.

Cả Ấn Độ và Gambia đều đang điều tra các trường hợp trẻ tử vong nói trên.

Trước đó, WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol.

Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu... thậm chí dẫn tới tử vong.

WHO dẫn thông tin từ Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết công ty Maiden chỉ mới cung cấp các sản phẩm trên đến Gambia, song không loại trừ khả năng những loại siro ho này được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức. WHO khuyến cáo các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục