Indonesia tự tin có thể vượt qua làn sóng dịch COVID-19 mới

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin khẳng định rằng dù có biến thể mới nào xuất hiện đi chăng nữa, quốc gia này sẽ sẵn sàng xử lý COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu vào cuối năm nay.
Indonesia tự tin có thể vượt qua làn sóng dịch COVID-19 mới ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Jakarta, Indonesia, ngày 9/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Indonesia tự tin có thể vượt qua làn sóng COVID-19 mới do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra trong bối cảnh hầu hết người dân nước này đã có kháng thể cao do từng mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin khẳng định rằng dù có biến thể mới nào xuất hiện đi chăng nữa, quốc gia này sẽ sẵn sàng xử lý COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu vào cuối năm nay.

Đề cập đến làn sóng dịch bệnh tiếp theo (dự kiến vào tháng 7 tới), ông nhấn mạnh: “Tôi thực sự tin tưởng dựa trên bằng chứng rằng đợt dịch bệnh này (nếu bùng phát) sẽ nhẹ hơn so với các làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta và Omicron.”

[Indonesia ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ của Omicron]

Bộ trưởng Budi cho biết niềm tin của ông xuất phát từ việc làn sóng dịch do các biến thể BA.4 và BA.5 - lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi - đạt đỉnh ở mức thấp hơn so với làn sóng Omicron ban đầu.

Ngoài ra, kết quả khảo sát huyết thanh tháng 3 vừa qua cho thấy có tới 99,2% người dân Indonesia đã có kháng thể chống COVID-19 qua con đường miễn dịch tự nhiên hoặc tiêm chủng.

Con số này cao hơn so với tỷ lệ 88,6% trong cuộc khảo sát tương tự vào tháng 12 năm ngoái.

Trên thực tế, các ca mắc COVID-19 ở Indonesia có xu hướng giảm và tỷ lệ xét nghiệm dương tính hiện chỉ ở mức dưới 5%. Trong khi đó, quốc gia này cũng đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch.

Bộ trưởng Budi bày tỏ hy vọng rằng làn sóng lây nhiễm do các biến thể phụ BA.4 và BA.5 sẽ đạt đỉnh trong tháng Bảy.

Ngoài ra, do mức độ kháng thể trong dân vẫn còn cao, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ nhập viện cũng sẽ giảm.

Dự báo rằng làn sóng lây nhiễm mới sẽ suy yếu vào tháng Tám hoặc tháng Chín và sẽ không có thêm biến thể mới nào xuất hiện, Bộ trưởng Budi cũng hy vọng rằng đây sẽ là “dấu hiệu tốt” để chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là Indonesia sẽ tự mãn và sẽ tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19, đồng thời hối thúc người dân thể hiện trách nhiệm với bản thân bằng cách đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh, xét nghiệm thường xuyên và tiến hành cách ly nếu có kết quả dương tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục