Italy, Đức, Hà Lan, Pháp đóng góp cho kế hoạch mua vắcxin của EU

Hà Lan, Đức, Italy và Pháp, đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Thụy Điển và Anh nhằm đảm bảo việc cung ứng 300 triệu liều vắcxin cho người dân trong khối.
Italy, Đức, Hà Lan, Pháp đóng góp cho kế hoạch mua vắcxin của EU ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Italy, Đức, Hà Lan và Pháp sẽ đóng góp 750 triệu euro (843,1 triệu USD) cho kế hoạch thu mua 300 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) như một phần trong thỏa thuận của EU nhằm đảm bảo việc cung ứng mặt hàng dược phẩm này cho các nước thành viên.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Italy cho biết các nước trên cũng có lựa chọn mua hơn 100 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2.

Về phần Italy, nước này sẽ chi khoảng 185 triệu euro cho 75 triệu liều vắcxin.

Hôm 13/6 vừa qua, Hà Lan, Đức, Italy và Pháp, đã đàm phán và đạt được thỏa thuận với Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Thụy Điển và Anh nhằm đảm bảo việc cung ứng 300 triệu liều vắcxin cho người dân trong khối.

[EU chi 2,4 tỷ euro đặt mua trước vắcxin ngừa bệnh COVID-19]

Toàn bộ các nước thành viên EU sẽ có vắcxin phòng COVID-19 ngay khi loại vắcxin này được tìm ra.

Ủy ban châu Âu (EC) đã sẵn sàng chi khoảng 2,4 tỷ euro để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận này.

Việc nhanh chóng thực hiện khoản thanh toán này sẽ cho phép Tập đoàn AstraZeneca tập trung đầu tư vào khả năng sản xuất vắcxin.

AstraZeneca đang chờ đợi kết quả về tính hiệu quả của vắcxin phòng COVID-19 vào tháng Chín tới, đây là kết quả hợp tác của hãng với Đại học Oxford. Việc hoàn thiện và đưa vào sản xuất vắcxin có thể được hoàn tất từ nay tới cuối năm.

Cũng trong ngày 15/6, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Peter Altmaier tuyên bố Đức sẽ mua cổ phần của công ty công nghệ sinh học CureVac, trong bối cảnh một số nguồn tin cho thấy Mỹ đang để mắt tới công ty này cùng chương trình điều chế vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2.

Chính phủ liên bang Đức sẽ chi 300 triệu euro (337 triệu USD) để mua 23% cổ phần của CureVac, có trụ sở tại Tuebingen, miền Tây Nam nước Đức.

Cho tới nay, tỷ phú Dietmar Hopp, nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm châu Âu SAP, là cổ đông chính khi nắm giữ hơn 80% cổ phần.

CureVac là một trong nhiều công ty trên thế giới đang chạy đua phát triển vắcxin phòng COVID-19.

Hồi giữa tháng Năm vừa qua, công ty có trụ ở Tübingen đã công bố kết quả tiền lâm sàng tích cực về dự án bào chế vắcxin của mình.

Trước đó, CureVac thông báo có thể sẽ sản xuất hàng loạt một loại vắcxin chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nếu hoạt động thử nghiệm vắcxin liều thấp của họ thành công.

Lãnh đạo công ty CureVac hy vọng sẽ giới thiệu một loại vắcxin thử nghiệm vào đầu tháng Sáu hoặc tháng Bảy. Sau đó họ sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thử nghiệm trên con người.

Ông Florian von der Mülbe, Giám đốc sản xuất và đồng sáng lập CureVac, cho biết phương thức sử dụng vắcxin liều thấp để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống bệnh sẽ được áp dụng để phòng virus SARS-CoV-2.

Ông cũng cho hay CureVac có thể sản xuất tối đa 10 triệu liều mỗi chu kỳ sản xuất, thường kéo dài khoảng vài tuần. Mỗi bệnh nhân sẽ cần hơn 1 liều thuốc để tiêm chủng và mỗi một chu kỳ sản xuất có thể giúp tiêm chủng cho hàng triệu người.

Theo ông, công ty đã nghiên cứu nhiều loại vắcxin và đang chọn hai loại tốt nhất để tiến hành thử nghiệm lâm sàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục