Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore

Nhiều công ty Singapore đã thiết lập sự hiện diện hoặc đang tích cực tìm kiếm các cơ hội trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, vận tải, hậu cần, giáo dục...
Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore ảnh 1Các doanh nghiệp Singapore tham quan gian hàng Việt Nam trưng bày bên ngoài hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Việt Nam đang nổi lên như một thị trường phổ biến được các công ty Singapore quan tâm trong việc tìm kiếm các cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Đây thông tin được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư-kinh doanh và kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing (SCCCI) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/3.

Ông Kho Choon Keng, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing, cho biết Singapore và Việt Nam chia sẻ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và lâu dài. Thương mại song phương của hai nước đã tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua, đạt 31 tỷ đôla Singapore vào năm 2022.

Về đầu tư, Singapore luôn nằm trong nhóm các quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một thị trường phổ biến được các công ty Singapore quan tâm.

“Nhiều công ty Singapore đã thiết lập sự hiện diện hoặc đang tích cực tìm kiếm các cơ hội trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất, vận tải, hậu cần, giáo dục, du lịch, tài chính và nông nghiệp. Họ thậm chí đã mạo hiểm vượt ra khỏi các thành phố chính là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đến các khu vực khác ở Việt Nam. Ngoài việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có, hai nước cũng có thể khám phá sự hợp tác trong các lĩnh vực mới, bao gồm tính bền vững, nền kinh tế xanh và nền kinh tế kỹ thuật số," ông Kho Choon Keng cho biết thêm.

[Việt Nam-Singapore đạt nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng]

Ông Cao Xuân Thắng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng Việt Nam và Singapore có rất nhiều cơ hội hợp tác hiệu quả cả về thương mại và đầu tư. Singapore nổi lên như một trung tâm dịch vụ, tài chính của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và phân phối hàng hóa.

Cùng với nỗ lực kết nối của các đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp hai bên, các công ty Singapore có thể điều hướng hợp tác và đầu tư vào thị trường Việt Nam tốt hơn, xác định các cơ hội dự án và đối tác phù hợp để phát triển lâu dài.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết Singapore là quốc gia đứng thứ hai trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 71,85 tỷ USD. Đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư FDI lớn nhất trong số 117 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại thành phố, với hơn 1.677 dự án đã triển khai, tổng vốn đầu tư lên đến gần 14,02 tỷ USD.

Bà Cao Thị Phi Vân nhấn mạnh việc đạt được thành tựu nêu trên là nhờ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự tín nhiệm và hợp tác song phương giữa Việt Nam và Singapore trong suốt thời gian qua.

Hiện nay, Việt Nam với ưu thế ổn định chính trị, môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực, cùng với lực lượng lao động có trình độ và chăm chỉ... đang duy trì ưu thế trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore.

Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Singapore ảnh 2Ông Kho Choon Keng, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Hoa Sing, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế-văn hóa, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vị trí chiến lược thuận lợi, dân số hơn 10 triệu người, sở hữu nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư quốc tế nhất so với cả nước.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đạt chuẩn. Cùng với việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở vùng lân cận, thành phố giúp kết nối giao thương thuận tiện các khu vực trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư ITPC thông tin Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, hệ thống hạ tầng phát triển công nghiệp và thương mại phát triển mạnh mẽ và chất lượng. Một trong những thuận lợi lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là nguồn nhân lực có chuyên môn, chất lượng cao với hơn 4,6 triệu lao động.

Đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận một lượng khách hàng rất lớn tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, trong đó không chỉ là 10 triệu dân đang sinh sống tại thành phố mà còn bao gồm cả 7 tỉnh lân cận.

Bên cạnh đó, thành phố cũng là cầu nối tiếp cận hiệu quả cộng đồng ASEAN với 500 triệu dân mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài hướng đến trong chiến lược mở rộng thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục