Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững'

Ítt ai nghĩ được rằng, nhiều nhà thiết kế trẻ dù bán được hàng cho khách quen là những đại gia sành điệu thì vẫn “khóc thầm.” Bởi đằng sau đó là vô vàn... trái ngang khó nói khi muốn sống với nghề.
Những thiết kế từ chất liệu thổ cẩm được nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục khai thác cho bộ sưu tập Thu Đông 2019.
Những thiết kế từ chất liệu thổ cẩm được nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục khai thác cho bộ sưu tập Thu Đông 2019.

Muốn đưa thời trang trở nên gần gũi với công chúng, để thời trang và thiên nhiên trở thành một bản hòa ca của cái đẹp, nhà thiết kế Minh Hạnh đã chọn Công viên Bách Thảo Hà Nội là nơi trình diễn 15 bộ sưu tập trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu Đông 2019 thay vì trong khách sạn 5 sao như thường thấy.

Cái giá để được... "khác thường"

Nhà thiết kế Minh Hạnh bảo, có nhiều người hỏi chị, tuần lễ thời trang là gì? "Câu hỏi đó thực sự là khó nhưng tôi muốn tóm gọn lại, thực ra tuần lễ thời trang chính là thị trường. Nhà thiết kế nào không hiểu được thị trường của ngày hôm nay sẽ không bao giờ có thể tồn tại."

[Núi Nùng - sàn catwark ngoài trời đầu tiên của làng thời trang Việt]

- Và thị trường thì luôn luôn khắc nghiệt...

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Các bạn biết rằng, qua gần 20 năm Tuần lễ thời trang Việt Nam, bao nhiêu thế hệ nhà thiết kế đã đến và đã ra đi từ sân chơi này, không phải đơn giản mà những gương mặt như Hoàng Nhi, Thanh Thúy, Chula, Xuân Hảo… đều tồn tại ở đây đến giờ.

Tôi muốn nói, sự khắc nghiệt của thị trường và sự sáng tạo khiến cho các nhà thiết kế thời trang đã không thể bước tiếp trên con đường này đến tận cuối cuộc đời. Đó là sự thật. Một nghề mà thị trường chi phối đến 90% đời sống của nhà thiết kế, nếu họ không biết thích nghi thì chắc chắn sẽ không bao giờ sống được giữa thị trường thời trang, nhất là trong tình hình kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Đó là một nỗi buồn nhưng cũng là thách thức lớn đối với lĩnh vực thiết kế thời trang ở Việt Nam. Một thách thức khác mà chúng tôi phải đối mặt là rất khó khăn mới xin được giấy phép tổ chức Tuần lễ thời trang trong khu vườn với những hàng cây gần 200 năm tuổi.

Thật ra, để biểu diễn trong một khách sạn 5 sao chúng tôi chỉ cần đóng tiền là được nhưng tất cả các khách sạn 5 sao thì đều giống nhau như một. Vì thế chúng tôi đã tự hỏi tại sao lại không kết hợp thời trang với những vốn quý mà lịch sử đã để lại cho Hà Nội? Khó khăn chồng khó khăn nhưng đối với người làm thiết kế thời trang và quyết liệt vì ngành thời trang Việt Nam chúng tôi vẫn phải tiếp tục để có được cảm giác... khác thường.

Sau gần hai tháng trời và qua gần 50 “cửa,” cuối cùng chúng tôi cũng có giấy phép biểu diễn tại Công viên Bách Thảo.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 1Những thiết kế từ chất liệu thổ cẩm được nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục khai thác cho bộ sưu tập Thu Đông 2019.

Bán được hàng cho đại gia vẫn... khóc thầm

- Tôi tin dẫu "khác thường" giữa một thị trường đầy khắc nghiệt của thời trang thì các thiết kế Việt vẫn cần hàm lượng văn hóa và sự chuyên nghiệp để có thể đi đường dài.

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Chúng ta chỉ có thể cạnh tranh bằng thiết kế và hàm lượng văn hóa đặt trong trang phục.

Đây là mùa Xuân Hè nhưng các nhà thiết kế đã phải làm bộ sưu tập Thu Đông. Nếu chúng tôi làm bộ sưu tập Xuân Hè thì sẽ thật đơn giản, bởi sau khi làm xong, chúng tôi có thể đưa ra ngoài thị trường bán ngay. Nhưng những người làm thời trang chuyên nghiệp không bao giờ được phép làm như thế.

Bạn thấy đấy vừa rồi có London Fashion Week, Paris Fashion Week, New York Fashion Week, Milan Fashion Week và thời điểm này là Tokyo Fashion Week, chúng ta không thể đi sau định vị về thời gian mà những người chuyên nghiệp trên thế giới đang làm.

Mùa này, do ở Việt Nam bị kẹt thời gian Tết Nguyên đán nên chúng ta bị trễ hơn một chút, chứ thực ra mong muốn của tôi là phải luôn luôn đi theo dòng chảy, theo thời gian của Paris Fashion Week, bởi châu Âu vẫn là cái nôi thời trang của thế giới. Ở đó, mặc dù thời trang có tính thị trường và tính thực dụng rất cao nhưng trang phục vẫn đầy hàm lượng văn hóa của mỗi dân tộc ở châu Âu.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 2Qua bàn tay khéo léo và tài hoa của nhà thiêt kế Minh Hạnh, thổ cẩm vẫn mang đến vẻ đẹp đầy gợi cảm và bay bổng.

Có nhà báo hỏi tôi rằng: chúng ta có thể tạo ra khuynh hướng không? Tại Việt Nam hiện nay không ai có thể tạo ra khuynh hướng bởi vì chúng ta chưa có nền công nghiệp thời trang. Khi Việt Nam có nền công nghiệp thời trang, chúng ta mới có quyền nói chúng ta tạo ra khuynh hướng.

Ngày hôm nay chúng ta chỉ có thể đi theo khuynh hướng của những trào lưu nổi bật nhất trên thế giới để tạo ra được một thị trường. Thị trường này đáp ứng được nguyện vọng và thu nhập của người tiêu dùng. Đó chính là công việc của chúng tôi.

Tôi muốn nói rằng thời trang chuyên nghiệp chính là chính đạo. Khi một trang phục các bạn mặc cho dù chỉ là chiếc sơ-mi, chiếc váy… nhưng hàm lượng văn hóa, tâm hồn người người Việt phải đặt vào đó. Nếu không có hàm lượng văn hóa thì chắc chắn khi hết 10 năm làm nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, bước sang năm thứ 11-12 các bạn sẽ cạn nguồn ý tưởng.

Thực tế rất nhiều nhà thiết kế thời trang có năng lực mà tôi rất yêu quý, nâng niu nhưng giờ đã không thể đi cùng với chúng tôi trên con đường này. Đó chính là nỗi đau của những người làm thời trang. Nó nghiệt ngã là thế. Và họ phải chuyển sang một công việc khác đơn giản hơn như buôn áo quần, buôn đất… Họ không sống được với ước mơ của chính mình cho đến tận cùng, cho đến cuối cuộc đời.

Vừa rồi, nhà thiết kế Karl Lagerfeld, huyền thoại của hãng thời trang Chanel vừa qua đời ở tuổi 85 và ông mất khi vẫn đang hoàn thiện bộ sưu tập Thu Đông 2019. Đó là một con người đã đi đến tận cùng cuộc đời với ước mơ và đam mê của mình.

Cho nên, điều tôi muốn nói là để có được hàng chục hay hàng trăm cửa hàng thì rõ ràng sự bắt tay của nhà thiết kế với khả năng quản lý, khả năng đầu tư của một doanh nghiệp là rất quan trọng. Dĩ nhiên, ở đây tôi cũng muốn nói thật rằng, có những nhà thiết kế trẻ, tôi hiểu, đôi khi các bạn ấy đã phải khóc thầm dù sản phẩm được bán cho những vị khách đại gia. Bởi họ phải chấp nhận làm những sản phẩm hoàn toàn không nằm trong khuynh hướng của thời trang thế giới.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 3Sự kết hợp ấn tượng giữa chất liệu jeans và nhung của nhà thiết kế trẻ Công Huân.

Truyền thống là ở con người chứ không phải là một miếng vải

- Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay." Là nhà thiết kế đi đầu trong việc khôi phục những chất liệu cổ ở những vùng dân tộc thiểu số, chị nghĩ thế nào về việc chúng ta chi hàng trăm tỷ đồng cho việc bảo tồn này?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Trước tiên tôi muốn nói rằng, đây là câu chuyện không thể một sớm một chiều. Với tôi 100 tỷ, 200 tỷ hay 1.000 tỷ đồng không phải là chuyện ít hay nhiều, vấn đề là làm thế nào cho đúng. 54 dân tộc là 54 câu chuyện khác nhau với 54 cách sống, ngôn ngữ riêng, thậm chí triết lý sống của họ cũng khác nhau… Vậy muốn làm thì cán bộ của mình phải “sống” với họ.

Như tôi khi muốn làm trang phục từ thổ cẩm, tôi đã tìm đến xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Tôi đã phải ăn với họ, ngủ với họ. Tôi có biết uống rượu ngô đâu mà vẫn phải uống và rồi tôi thấy rượu ngô rất ngon. Từ việc khám phá đời sống của họ, mình mới hiểu họ muốn cái gì, thích cái gì và làm cái gì.

Đó là câu chuyện của người kiên trì, của người tâm huyết, của ý chí để làm được chứ không phải là câu chuyện của nhiều tiền. Tiền là phương tiện nhưng con người thực hiện mới quyết định thành công và đừng bao giờ đưa ra những công văn hành chính một cách hững hờ, lạnh lùng hoặc con người thực thi vô cảm, nếu không, thì có 5.000 tỷ đồng cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Đề án mà Chính phủ đưa ra là rất cần thiết và phải ủng hộ, bởi tôi là người gần 30 năm theo đuổi con đường đó nên tôi hiểu giá trị của họ, hiểu những bà con dân tộc thiểu số cần gì. Cần lắm việc phải khôi phục và bảo tồn vốn cổ. Nhưng ở thời đại này đừng làm những thứ vô bổ, vô cảm, lạnh lùng bởi truyền thống vẫn là ở con người chứ truyền thống không phải là một miếng vải. Đó là vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 4Một thiết kế trong bộ sưu tập Thu Đông 2019 của Công Huân.

- Là người luôn hướng đến truyền thống, tôi còn nhớ ngày trước chị thường ví truyền thống như một thanh gươm và những cuộc giới thiệu văn hóa Việt như cuộc viễn chinh…

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Trong sáng tạo của nhà thiết kế thì truyền thống chính là gia tài. Bạn không biết cách sử dụng, giữ gìn thì chắc chắn gia tài đó sẽ mất đi mỗi ngày và bạn sẽ không bao giờ “giàu có” được. Giàu có ở đây có nhiều nghĩa. Nếu không có truyền thống thì ai nhận diện ra bạn? Đó là điều đau lòng lắm.

- Chị thấy thế hệ nhà thiết kế trẻ ngày nay nhận thức về vấn đề bản sắc đó như thế nào?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Thực ra họ rất muốn giữ được bản sắc và họ bị giằng xé giữa thị trường và quan điểm của họ. Tôi thấy những bạn trẻ sau khi bị thị trường làm cho bầm giập, họ hiểu bản chất thị trường thì họ cảm thấy mình phải đi đúng quỹ đạo. Quỹ đạo đó sẽ giúp họ thành công nhanh hơn.

Đơn cử như nhà thiết kế Xuân Hảo ở Huế. Bộ sưu tập Thu Đông lần này Hảo lấy thổ cẩm của người sống ở miền Trung chứ không lấy ở Tây Bắc. Xuân Hảo lấy những khái niệm về kiến trúc đền đài đậm đặc Huế để đưa vào sản phẩm của mình và bạn ấy bán các thiết kế rất tốt mặc dù nhu cầu ở thị trường Huế rất thấp.

Cũng có nhiều nhà thiết kế may đồ cho celeb [người nổi tiếng-PV] này celeb kia. Với các nhà thiết kế, celeb không phải là khách hàng bền vững bởi họ phải giữ phong cách. Nếu đã làm cho celeb thì các nhà thiết kế phải đủ bản lĩnh để uốn phong cách của mình thành phong cách của celeb đó. Thực tế hiện nay, điều này là không có vì celeb nhiều tiền hơn nên họ quyết định tất cả. Đây là sự mâu thuẫn mà một nhà thiết kế bản lĩnh phải giải quyết được.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 5Sắc màu ấn tượng trong bộ sưu tập Thu Đông của Mỹ Hạnh trình diễn tại Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu Đông 2019.

Tuần lễ thời trang Việt Nam thiếu vắng Houte Couture

- Với các mùa Tuần lễ thời trang Việt Nam trước tôi thấy có buổi diễn riêng dành cho Houte Couture nhưng năm nay không thấy nói đến, vì sao vậy thưa chị?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Đúng rồi. Sau vài năm có tổ chức trình diễn Houte Couture thì rõ ràng một số nhà thiết kế chịu không nổi những đòi hỏi khắt khe trong việc phải có tay nghề rất cao và khái niệm đặt vào Houte Couture cũng phải rất sâu sắc chứ không chỉ đơn giản chỉ là những trang phục cho mấy cô chân dài trưng diện.

Hiện nay, có khoảng 4-5 nhà thiết kế trong sân chơi của chúng tôi có thể làm loại trang phục này, nhưng nếu chỉ có vậy thì không đủ dày cho một đêm diễn. Do đó, tôi thấy hơi đáng tiếc khi năm nay không thể có buổi trình diễn riêng cho Houte Couture. Nhưng năm nay, sau những phần trình diễn Ready to wear cũng sẽ trình diễn xen kẽ một số bộ Houte Couture.

- Theo chị, xu hướng thời trang mùa Thu Đông 2019 sẽ thế nào?

Nhà thiết kế Minh Hạnh: Sẽ không phải là những bộ đồ ôm sát mà là những trang phục dáng suông, những chất liệu và phom dáng phải tạo được cảm giác bình yên. Sự bình yên đó bao hàm ý nghĩa đời sống của lâu dài của bộ trang phục, để bạn có thể mặc 5 năm hay 10 năm cũng không bị lỗi mốt. Đó là khuynh hướng của thời đại này.

Màu sắc trang phục cũng chuyển biến theo một số gam nhất định, mùa Thu Đông với những gam màu trầm hoặc là nổi bật hẳn. Màu sắc cũng phù hợp với khí hậu của từng vùng, như mùa Thu Đông năm vừa rồi ở cực Bắc là trắng tinh, thì năm nay là trắng điểm xuyết thêm đen, vàng.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của chị./.

Khi 'người nổi tiếng không phải là những khách hàng bền vững' ảnh 6Những họa tết đậm đặc dấu ấn văn hóa địa phương của Xuân Hảo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục