Gần đây số lượng nhà nuôi chim yến không phép ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng lên đột biến, Ủy ban Nhân dân Thành phố vừa chỉ đạo với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện rà soát hiện trạng các cơ sở nuôi chim yến hiện hữu đã xây dựng trên địa bàn trước ngày 31/7 vừa qua, đồng thời kiên quyết không để tình trạng xây mới hoặc cải tạo, cơi nới nhà ở thành nhà nuôi chim yến.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đề xuất xử lý các hành vi sử dụng nhà ở để nuôi chim yến không đúng công năng, không đúng với quy hoạch hoặc không có quy hoạch. Đồng thời, với vai trò là đơn vị quản lý trực tiếp trong lĩnh vực chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ phải đề xuất vận dụng quy định về quản lý gia cầm để quản lý nuôi chim yến.
Theo số liệu được công bố tại cuộc hội thảo mới đây bàn về quy định quản lý nuôi chim yến ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 300 nhà nuôi và dẫn dụ yến, tập trung tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức nhưng chỉ có 10 nhà nuôi ở Cần Giờ được cấp phép nuôi thí điểm, còn lại là nuôi tự phát. Riêng huyện Cần Giờ hiện nay phong trào nuôi chim yến phát triển rất mạnh với khoảng 200 nhà dẫn dụ và đang đứng đầu trong toàn thành phố cả về quy mô và sản lượng.
Trong khi đó, tại các quận, huyện khác cũng có nhiều hộ gia đình cải tạo lại nhà đang ở, kho, xưởng hoặc xây nhà mới với phần trên thiết kế nuôi chim yến và phần dưới để ở.
Theo các nhà quản lý ngành chăn nuôi, việc nuôi chim yến tự phát như vậy sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh trên đàn chim cũng như nguy cơ lây lan khi có dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh./.