Khủng hoảng kinh tế - nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công Paris

Khủng hoảng kinh tế và các chính sách xã hội không đảm bảo đã tước đi cơ hội học hành và có việc làm cho con em những người nhập cư, khiến 4 triệu người Hồi giáo tại Pháp có xu hướng cực đoan.
Khủng hoảng kinh tế - nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công Paris ảnh 1Cảnh sát Pháp tuần tra tại sân bay quốc tế Bordeaux ở Mérignac, miền Tây Nam Pháp sau các vụ tấn công ở Paris, ngày 14/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những gì nước Pháp vừa trải qua trong đêm 13/11 tại Paris và Saint-Denis là một hành động gây chiến. Và đã là hành động gây chiến thì nước Pháp phải có những quyết định phù hợp. Một hành động do lực lượng khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiến hành, chống lại một đất nước tự do. Một hành động gây chiến được chuẩn bị, được lên kế hoạch từ bên ngoài với sự đồng lõa từ bên trong. Câu trả lời của nước Pháp là "Nước Pháp sẽ tiến hành cuộc chiến không khoan nhượng chống lại những hành động man rợ của IS."

Những ngôn từ mạnh mẽ được Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố trực tiếp trên truyền hình được phát đi phát lại trong nhiều bản tin cho thấy quyết tâm của nhà lãnh đạo Pháp trong cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Trong đêm trắng mà nước Pháp vừa trải qua, những kẻ khủng bố thuộc nhóm IS đã gây ra các vụ nổ liên hoàn tại sáu địa điểm trong trung tâm Paris và vùng phụ cận. Chúng đã lạnh lùng lia cả băng tiểu liên về phía những người dân vô tội đang ngồi trong quán bar, đi xem biểu diễn âm nhạc và xem bóng đá. Bảy trong số 8 kẻ tấn công liều chết đã kích hoạt chất nổ đeo quanh mình làm hàng trăm người thương vong.

Trong một thông cáo công bố ngày 14/11, tổ chức IS đã nhận thực hiện vụ tấn công khủng bố và cho biết nguyên nhân là do nước Pháp đã tham gia ném bom các mục tiêu của IS tại Syria và phỉ báng Đấng tiên tri Mohamed.

Theo thông báo sơ bộ của cảnh sát, tất cả những kẻ tấn công đều đã chết. Hiện các lực lượng an ninh đang dốc toàn lực để truy lùng những kẻ đồng lõa. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản bởi vì không dễ gì để có thể xác định được những kẻ khủng bố là ai nếu như chúng không xâm nhập từ bên ngoài vào mà ngược lại lớn lên trên nước Pháp.

Thực tế cho thấy, bất chấp hàng loạt chiến dịch chống cực đoan hóa, Chính phủ Pháp vẫn không thể ngăn chặn một số lượng đáng kể thành viên cộng đồng Hồi giáo lên đến gần 4 triệu người đi theo xu hướng cực đoan.

Nguyên nhân sâu xa là do khủng hoảng kinh tế và các chính sách xã hội không đảm bảo đã tước đi cơ hội học hành và có việc làm cho con em những người nhập cư. Đây chính là một mầm mống cho việc các tư tưởng Hồi giáo cực đoan xâm nhập một cách dễ dàng từ Trung Đông vào Pháp.

Chỉ cần đến một vài khu vực ngoại ô Paris là có thể chứng kiến sự bất bình đẳng xã hội cũng như những khó khăn trong việc hội nhập mà lớp trẻ, con em của những người nhập cư đang gặp phải.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt chính sách nhập cư và an sinh xã hội, đặc biệt là từ một số chính trị gia có tư tưởng cực hữu, đại diện là đảng Mặt trận quốc gia (FN), đã làm trầm trọng hóa sự bất mãn trong cộng đồng Hồi giáo tại Pháp.

Theo phân tích của báo chí Pháp, các chuyên gia chống khủng bố của Pháp đã lường trước được các vụ tấn công khủng bố. Tại một cuộc họp các lực lượng chống khủng bố vào cuối tháng 10, một lãnh đạo cấp cao của cảnh sát đã nói: "Chúng ta đang ở rất gần cuộc tấn công sắp tới. Tuy nhiên, chúng ta không biết nó diễn ra khi nào và ở đâu."

Giới an ninh Pháp cũng cho biết IS đang theo đuổi chiến lược rất khó đối phó và đẩy các cơ quan chức năng của các nước vào tình trạng căng thẳng, thậm chí bất lực.

Qua trao đổi với một số chuyên gia tại địa bàn, có thể thấy rằng các lực lượng an ninh Pháp đã hết sức nỗ lực nhưng mối đe dọa khủng bố quá lớn và gần như không thể tuyệt đối ngăn chặn được.

Có thông tin cho rằng tình báo Pháp đã bị quá tải. Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan này đã được tăng cường thêm hàng nghìn nhân viên. Tại sân bay Charles de Gaulle và Orly, rất nhiều chuyên gia đã được triển khai để phát hiện những phần tử tình nghi đi hoặc về từ Syria.

Thời gian qua, có thể thấy rằng thế giới đang chứng kiến nguy cơ leo thang khủng bố ở quy mô toàn cầu. Cứ mỗi ngày lại có thêm một âm mưu mới bị phát hiện ở một địa điểm, một quốc gia mới, từ Philippines cho tới Afghanistan, từ Ai Cập cho tới Nga, Pháp. Các tổ chức khủng bố ngày càng tinh vi hơn, phối hợp hơn, có tổ chức hơn, mức độ thương vong do khủng bố khủng khiếp hơn.

Trong những giờ phút đau thương, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với nước Pháp. Song tình đoàn kết đó không chỉ ở trong lời nói mà còn phải trong cả hành động. Các nước sẽ phải hợp sức lại để cùng nhau tìm ra câu trả lời nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố quốc tế - một lực lượng ngày một táo tợn hơn, tàn nhẫn hơn. Cộng đồng quốc tế chỉ có thể đương đầu với lực lượng tàn bạo này khi tất cả cùng có câu trả lời "không khoan nhượng" với khủng bố, bởi vì theo các chuyên gia quốc tế: "Cuộc chiến chống IS vừa chỉ mới bắt đầu"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục