Số liệu của Cơ quan Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland cho biết trong năm tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1 tỷ bảng (tương đương hơn 2 tỷ USD), tăng 2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tổng kim ngạch thương mại chỉ tăng nhẹ song đây là tín hiệu đáng mừng.
Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam-Anh luôn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sự tăng trưởng vượt bậc trong tháng Năm đã giúp kim ngạch thương mại năm tháng đầu năm đảo chiều đi lên, tăng so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt gần 1,6 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng điện thoại di động (chiếm gần 40%), dệt may (12,5%), giày dép (trên 12%), đồ gỗ và nội thất (9%), máy móc thiết bị và phụ tùng (hơn 7%), các sản phẩm nhựa (gần 3%), càphê, trà và gia vị (2,5%), thủy hải sản (hơn 2%), hoa quả hạt các loại (trên 1%).
Những nhóm hàng chính Việt Nam nhập khẩu từ Anh gồm tourbine và máy móc thiết bị (hơn 24%); dược phẩm (trên 11%); phụ kiện điện thoại di động và thiết bị ghi âm, ghi hình (gần 9%); hóa chất (7,5%); thiết bị chính xác, thiết bị y tế và máy đo lường (gần 6%); các sản phẩm nhựa (trên 5%); sắt thép (4%); thức ăn gia súc (gần 4%); cá, các động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác (xấp xỉ 3%); mực in, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, sơn (2,5%).
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cho biết quan hệ thương mại Việt Nam-Anh có nhiều điểm mạnh nhờ hai bên có chính sách thương mại, đầu tư ổn định, minh bạch; cơ cấu kinh tế có tính chất bổ sung cho nhau; hai bên có nhiều tiềm năng, cơ hội chưa khai thác hết.
Trong thời gian qua, chính phủ Anh đã chi 8 tỷ bảng (tương đương 13,6 tỷ USD) cho công tác xúc tiến thương mại và đầu tư với trọng tâm tăng cường xuất khẩu và đầu tư sang các thị trường có triển vọng cao, trong đó có Việt Nam.
Chính vì vậy, hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư đã được tổ chức ở cả Anh và Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau như hội nghị, hội thảo, tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, trao đổi văn hóa… Thông qua các hoạt động này, doanh nghiệp hai nước biết đến nhau nhiều hơn, góp phần thúc đẩy trao đổi và giao dịch thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Trong số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Anh, nhóm hàng đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa, thủy hải sản và điện thoại di động có uy tín cao, tăng trưởng tốt, góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về phát triển và trình độ văn hóa kinh doanh là trở ngại tương đối lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy cho biết thị trường Anh có kết cấu chặt chẽ, mạng lưới phân phối chuyên ngành nên các nhà cung cấp mới cần có thời gian thâm nhập và tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng được tổ chức rất cao này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam bận khai thác các thị trường khác, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ lực và trình độ, sự hỗ trợ của nhà nước cũng chỉ có giới hạn nên các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thị hàng hóa mới vào thị trường Anh. Khó khăn càng tăng lên khi các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa và các nhà cung cấp đến từ châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil…/.