Bộ Giao thông Vận tải vừa có kết quả thanh tra chính thức về hoạt động kinh doanh vận tải thành phố Hà Nội trong đó đã chỉ ra hàng loạt các loạt tồn tại từ công tác quản lý, cấp phép kinh doanh vận tải, quản lý bến xe, phương tiện và người lái còn lỏng lẻo đến các vi phạm tốc độ của xe khách … Đáng chú ý, mặc dù Sở Giao thông Vận tải đã phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng lại chưa tiến hành xử lý vi phạm.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi làm việc giữa Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra vận tải vào chiều nay (12/12).
Quên xử lý vi phạm?
Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, nhiều bến xe trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được tiêu chí theo loại bến xe được công bố; không thực hiện việc niêm yết tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định; diện tích phòng chờ thiếu, phòng bán vé chung với văn phòng bến xe, thiếu hệ thống loa phát thanh của bến, chưa có vị trí bán vé.
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, Thanh tra Bộ Giao thông cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại vi phạm trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của phương tiện, lái xe của một số đơn vị còn lỏng lẻo, chưa ký đầy đủ hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe; tình trạng lái xe vi phạm vượt tốc độ cho phép còn nhiều và đơn vị vận tải chưa có biện pháp xử lý kiên quyết thông qua thiết bị hộp đen; thiết bị giám sát hành trình lắp đặt của một số cơ sở chưa đạt chuẩn chất lượng nên khó khăn trong công tác theo dõi hoạt động và trích xuất các dữ liệu hoạt động của phương tiện...
Dẫn chứng, qua kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần ôtô khách Hà Tây có 15 xe; Hợp tác xã Vận tải 27/7 có 6 xe không có trong hệ thống theo dõi thiết bị hộp đen. Đơn vị vận tải không biết mật khẩu để truy cập, quản lý, theo dõi hoạt động của các phương tiện trên thông qua thiết bị.
Đáng nói hơn, đoàn thanh tra Bộ Giao thông Vận tải còn phát hiện, cả 4/4 đơn vị được kiểm tra có xe vi phạm vượt quá tốc độ quy định.
Cụ thể, qua kiểm tra 85/207 (chiếm 41%) xe được kiểm tra vi phạm tốc độ chạy xe, tổng số vi phạm 14.193 lần (trong vòng 30 ngày), tốc độ cao nhất 123 km/ giờ. Ngoài ra, 3/4 đơn vị được kiểm tra không quản lý lái xe, thuê, quản lý, sử dụng, trả lương cho người lao động do cá nhân chủ phương tiện chịu trách nhiệm thực hiện…
Đi sâu vào thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đơn vị quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải của địa phương, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện được nhiều sai sót trong cấp phép tuyến, thu hồi phù hiệu hết hạn.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tại thời điểm kiểm tra (tháng 10 và 11/2013), 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định được Sở cấp giấy phép kinh doanh đã ngừng hoạt động trên 6 tháng liên tục. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn công tác Bộ Giao thông Vận tải phát hiện Sở vẫn chưa thu hồi nội dung cấp phép kinh doanh vận tải của các đơn vị này.
Cụ thể, tại kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, Hợp tác xã vận tải 27/7 có 24 xe khách đã ngừng hoạt động nhưng không được thu hồi phù hiệu…
Đề cập đến việc quản lý, giám sát việc lắp thiết bị giám sát hành trình của đơn vị vận tải, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chưa tổ chức khai thác thông tin bắt buộc từ thiết bị hộp đen của xe tại máy chủ để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo quy định.
Liên quan đến vận tải taxi, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra rằng, trên địa bàn Hà Nội hiện có 110 đơn vị đang hoạt động vận tải loại hình này, Sở Giao thông Vận tải đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký mầu sơn, biểu trưng (logo) đối với xe taxi của 110 đơn vị, song Sở lại chưa tiến hành xác nhận, thông báo việc đăng ký màu sơn, logo.
Cùng đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi không có giấy phép kinh doanh vận tải mà trước đó chính họ đã kiểm tra. Doanh nghiệp kinh doanh taxi được kiểm tra không chứng minh được một số xe thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình; xe taxi đã ngừng hoạt động nhưng không thu hồi phù hiệu…
“Trảm” doanh nghiệp, chấn chỉnh quản lý
Trước thực trạng vi phạm trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt vi phạm liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải; hoạt động khi không có giấy phép kinh doanh vận tải; buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện, người lái và các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (như: chạy quá tốc độ, sai hành trình, quá thời gian làm việc của lái xe...).
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải đã cấp đối với 5 doanh nghiệp vận tải đã ngừng hoạt động trên 6 tháng theo đúng quy định đồng thời thu hồi phù hiệu của 32 xe taxi đã ngừng hoạt động, đình chỉ khai thác hàng loạt tuyến vận tải khách; thu hồi phù hiệu xe chạy tuyến cố định đã cấp cho hàng loạt xe ôtô do không thực hiện các quy định liên quan đến lắp đặt thiết bị hộp đen đã ngừng hoạt động; thu hồi phù hiệu khai thác tuyến (1 tháng) của hàng loạt các xe...
Nhằm tạo hiệu quả cho hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Thanh tra, các đơn vị kinh doanh chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý, khoán toàn bộ hoạt động vận tải cho các cá nhân tự quản lý điều hành.
Tại buổi làm việc, qua nghe ý kiến từ đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhận định, công tác thanh tra là dịp để Hà Nội nhìn nhận những bất cập, thiếu sót để quản lý tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch cũng chỉ đạo các đơn vị cần phải khắc phục ngay các tồn tại. Sở Giao thông, Thanh tra giao thông cần học tập cách thức kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải để rà soát lại địa bàn, công bố công khai đến các doanh nghiệp làm gương để thực hiện./.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hoạt động vận tải và kinh doanh vận tải đường bộ có 5 hình thức gồm: xe buýt; xe chạy tuyến cố định; xe taxi; kinh doanh vận tải theo hợp đồng và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container. Tổng số các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải trên địa bàn thủ đô là 2.330 đơn vị (745 doanh nghiệp, 11 Hợp tác xã và 1.574 Hộ cá thể (Kinh doanh vận tải khách bằng ôtô theo Hợp đồng) với 25.729 phương tiện hoạt động trên tổng số 626 tuyến vận tải bao gồm 537 tuyến vận tải cố định, 89 tuyến xe buýt (70 tuyến trợ giá, 12 tuyến nội tỉnh không trợ giá, 7 tuyến buýt kế cận liên tỉnh). Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với hơn 7.000 trường hợp; phạt tiền hơn 8,7 tỷ đồng; tạm giữ hơn 200 phương tiện gồm xe khách liên tỉnh và xe taxi. |