Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII: Ấn tượng “Diên Hồng”

Kỳ họp 8, Quốc hội Khóa XIII đi đến ngày làm việc cuối. Hơn 1 tháng qua, từ hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội, sức “nóng” đã thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII: Ấn tượng “Diên Hồng” ảnh 1Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII đã đi đến ngày làm việc cuối cùng. Hơn 1 tháng nghị sự, từ hội trường Diên Hồng của Nhà Quốc hội, sức “nóng” của diễn đàn lập pháp đã thu hút sự quan tâm của cử tri và đồng bào cả nước, tạo sự lan tỏa rộng khắp.

Ấn tượng của Kỳ họp cuối năm 2014 không chỉ ở số lượng lớn các dự án luật được xem xét, thông qua, các quyết sách mang tính “đột phá” nhằm tháo gỡ những khó khăn tiềm tàng và hiện hữu, thúc đẩy nền kinh tế đi lên mạnh mẽ mà còn mang đậm hơi thở cuộc sống qua từng phiên họp.

Dấu ấn của Kỳ họp thứ tám còn là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội thể hiện rõ nét qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo, góp phần củng cố niềm tin, niềm hy vọng của nhân dân và cử tri cả nước về một Quốc hội xứng tầm cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.


Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp

Là Kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay, với việc thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật khác, Kỳ họp thứ tám là kỳ cao điểm xây dựng pháp luật nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp với hàng loạt những đạo luật định khung, mở đường cho việc triển khai xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong hệ thống chính trị nước nhà.

Thể chế Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) được thông qua hoàn thiện hơn vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Lần đầu tiên pháp định chức danh Tổng thư ký Quốc hội - một bước tiến mới trong xu thế hội nhập của cơ quan lập pháp. Hai đạo luật mang tính “khung, sườn” của các cơ quan tư pháp là Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi) được thông qua bám sát chủ trương của Đảng về cải cách nền tư pháp và tuân thủ triệt để tinh thần của Hiến pháp với nhiệm vụ đảm bảo tối cao quyền con người, quyền công dân.

Hai dự án Luật sửa đổi khác thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được thông qua tại kỳ họp này là Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể hiện rõ nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân: “mọi người được làm những gì mà pháp luật không cấm” thông qua việc rút gọn tối đa, quy định cụ thể, chi tiết các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Sau khi ban hành, hai luật quan trọng này được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, hấp dẫn hơn, tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp và người dân với quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo đảm.

Tăng lương cho người có thu nhập thấp

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hết sức hạn hẹp, song, Quốc hội vẫn dành sự quan tâm tới việc hỗ trợ đời sống cho nhân dân, nhất là người cao tuổi, về hưu, người có công và một bộ phận người có thu nhập thấp.

Quốc hội đã chính thức cho phép tăng lương cho khoảng 6,3 triệu người thuộc diện này từ đầu năm 2015, với mức tăng là 8%, tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Đây là sự cố gắng vượt bậc của Quốc hội, Chính phủ thể hiện trách nhiệm xã hội cao của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân song song với nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đúng với tính chất của Kỳ họp cuối năm, phần thảo luận về kinh tế-xã hội tại Quốc hội được dành nhiều thời gian để các đại biểu Quốc hội trao đổi cặn kẽ, đánh giá cụ thể thành tựu và hạn chế trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Những vấn đề nổi cộm như mối lo nợ công, xử lý nợ xấu; kết quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng hay những chủ trương đầu tư còn nhiều ý kiến trái chiều trong nhân dân như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đều được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” thấu đáo với nhiều góc nhìn đa chiều.

Kết quả của những bàn luận ấy là Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đã được thông qua và ban hành với những yêu cầu chặt chẽ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong việc quản lý, sử dụng, chi tiêu ngân sách Nhà nước; quản lý nợ công quốc gia; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Kỳ chất vấn hiệu quả

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, chất vấn luôn là một trong những hoạt động sôi động, đem lại nhiều thông tin và được cử tri quan tâm nhất. Ngay trong phát biểu mở đầu phần chất vấn của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo các nhóm vấn đề để tạo sự chủ động cho việc trả lời và có điều kiện đối thoại sâu, chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, đi đến cùng các vấn đề được quan tâm.”

Trên tinh thần ấy, những câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra đối với 4 vị Bộ trưởng và lãnh đạo Chính phủ trả lời chất vấn tại Kỳ họp đều là những vấn đề nóng, mang tính chiến lược để qua đó tìm ra những giải pháp, thống nhất hành động, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Duy trì điểm mới từ Kỳ họp trước, trước khi chất vấn, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện những “lời hứa” của các bộ trưởng, trưởng ngành từ các kỳ họp trước, giúp các đại biểu và cử tri có cái nhìn tổng thể về hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.

Ngoài bốn Bộ trưởng thực hiện trả lời chất vấn tại Kỳ họp, gồm: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, còn có 5 thành viên Chính phủ khác cũng tham gia giải trình thêm. Như thông lệ các Kỳ họp cuối năm, Người đứng đầu Chính phủ đã đăng đàn, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong sự quan tâm, theo dõi của cử tri và đồng bào cả nước.

Hàng loạt câu hỏi với không khí chất vấn sôi nổi đã làm rõ nhiều vấn đề thiết thực, cụ thể mà cử tri mong đợi. Đổi mới qua từng kỳ họp, các phiên chất vấn ngày càng thể hiện tính dân chủ trong quá trình trao đổi đặt câu hỏi và trả lời giữa đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ.

Nhiều lời hứa của các vị bộ trưởng đã được ghi nhận để đại biểu theo dõi, đánh giá trong các kỳ họp tiếp theo. Có ý kiến đánh giá, điểm mới tích cực trong kỳ chất vấn này là việc các Bộ trưởng đã chứng minh được sự chắc chắn của “Tư lệnh ngành” đối với những vấn đề thuộc chức trách được giao.

Sau 3 ngày chất vấn, trao đổi với báo chí, có đại biểu nhìn nhận: “Từ năm 2011 đến nay, đây là phiên chất vấn có chất lượng tốt nhất. Câu trả lời của Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng đã đi vào bản chất của vấn đề được đặt ra; thể hiện ý thức trách nhiệm từ các vị lãnh đạo ngành.”

Song, bên cạnh những lời khen, cũng có những ý kiến cho rằng, có một số phần chất vấn mà nhiều vấn đề đưa ra vẫn chưa được trả lời rõ ràng, cụ thể để giải đáp thắc mắc của đại biểu và cử tri.

Nhìn nhận toàn bộ các phần đặt câu hỏi và trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, phiên chất vấn tại kỳ họp này đã thu được kết quả tốt, được đồng bào, cử tri cả nước đồng tình hưởng ứng và phản hồi tích cực. Chủ tịch Quốc hội nhận xét các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi một cách ngắn gọn, thẳng thắn, rõ ràng, đồng thời có ý kiến đối với công việc của các ngành, của Chính phủ.

Phần trả lời của các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nêu bật quyết tâm chung của Chính phủ là phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, tư pháp, đặc biệt là nhiệm vụ của năm 2015.

Một thông tin đáng chú ý được Chủ tịch Quốc hội gợi mở là trong năm tới, Quốc hội có thể dành một kỳ họp để chất vấn lại tất cả các chất vấn từ đầu Kỳ họp thứ hai tới nay. Chốt lại toàn phiên chất vấn, không chỉ đề nghị các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội cùng đồng bào, cử tri cả nước tiếp tục giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn để chất vấn và trả lời chất vấn càng ngày càng hiệu quả.

Lấy phiếu tín nhiệm - trọng trách với cử tri

Một trong những điểm nhấn của Kỳ họp thứ tám, phải kể đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn - công việc nhận được sự đồng thuận và đánh giá rất cao của cử tri cả nước; khẳng định vai trò, vị thế giám sát tối cao của Quốc hội.

Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm nhằm thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ, tạo động lực phấn đấu, nỗ lực công tác trong toàn Đảng, toàn dân. Lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai này được Quốc hội tiến hành với nhiều thuận lợi trên cơ sở rút kinh nghiệm từ lần lấy phiếu trước đây và kết quả công tác của người giữ các chức danh sau 3 năm của nhiệm kỳ.

Điều đáng mừng, theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri là sau lần lấy phiếu đầu tiên, người giữ các chức danh được Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để từ đó phấn đấu, nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác; quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn.

Trước thời điểm các đại biểu Quốc hội đặt bút trên lá phiếu, khẳng định tầm hệ trọng của công việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùnglưu ý: Việc tuân thủ những yêu cầu chặt chẽ trong Nghị quyết 35 của Quốc hội và cũng nhằm đáp ứng niềm tin lớn lao của đồng bào, cử tri cả nước đòi hỏi từng vị đại biểu Quốc hội phải khách quan, thận trọng, công tâm để có được lá phiếu chính xác.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình theo quy định để thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh sát thực tình hình, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri cả nước. Công tâm, khách quan và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện thành công trọng trách cao cả của mình, thay mặt cử tri thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những chức danh một cách chính xác.

Mặc dù, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu và cử tri về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; mức độ thể hiện trên phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, song có thể thấy, Quốc hội đang ngày càng thể hiện rõ nét công cụ giám sát có sức mạnh đặc biệt của mình qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.


Chắc chắn, các công cụ giám sát như lấy phiếu tín nhiệm hay chất vấn sẽ từng bước được hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, sắc bén và hiệu quả hơn để không ngừng đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đồng bào cả nước vì một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục