"Làm kịch lịch sử không cẩn thận các cụ quở chết"

"Làm kịch lịch sử không cẩn thận các 'cụ' quở chết," nghệ sĩ Trung Hiếu hào hứng kể về vở kịch "Tình sử ngàn năm" mừng Đại lễ 1.000 năm.
Giữa trưa hè mướt mát mồ hôi với những cú đấm, đá, lên gân… cùng võ sư, lưng áo ướt đẫm, mặt đỏ gay mà miệng vẫn cười…

Đó là những hình ảnh quen thuộc của Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu, Trưởng đoàn kịch 1 Nhà hát Kịch Hà Nội suốt hơn một tháng qua để vào vai Lý Thường Kiệt trong vở “Tình sử ngàn năm” (tác giả: nhà văn Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang).

Vở kịch chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sẽ tổng duyệt vào trung tuần tháng Bảy tới. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trung Hiếu.

Anh hùng phải đi với mỹ nhân


- Dạo này Trung Hiếu còn hơn cả “hot boy” đấy nhé, hẹn từ hai tháng trước mãi bây giờ mới chịu gặp.


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: (cười) Dạo này tôi đang đi học, thích im ắng nên ngại gặp gỡ và cũng không muốn nhiều người biết mình đang làm gì.

- Thế sao hôm nay lại nhận lời, vì thấy bị bám ghê quá đúng không?


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu
: (cười lớn) Tôi cũng muốn nói mà, vì vở kịch “Tình sử ngàn năm” cũng đã hòm hòm, gần xong phần phá hoang rồi, chỉ đợi trang trí, phục trang… để “chuốt” lại nữa là xong thôi.

- Trước đây tại Thành phố Hồ Chí Minh sân khấu EDICAF đã dàn dựng vở này theo thể loại ca vũ nhạc kịch rồi, còn Nhà hát kịch Hà Nội lần này sẽ xử lý thế nào?

Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Hồi đó vở do anh Thành Lộc công diễn cũng có nhiều luồng ý kiến khen chê khác nhau nhưng khi đọc kịch bản tôi thấy nó có tứ rất hay, rất đẹp, đó là con người ta muốn làm gì cũng phải có động lực ngầm bên trong, khát vọng càng nhiều con người ta càng thành công.

Chúng tôi dựng vở này theo chính kịch, có kết hợp cả võ thuật, vũ đạo, múa. Trang phục do anh Sỹ Hoàng thiết kế, âm nhạc của Đức Trí.

- Thường khi làm kịch lịch sử, người ta chú trọng đến việc ca ngợi chủ nghĩa anh hùng để làm bài học cho đời sau, còn trong câu chuyện các anh đang làm thì sao?

Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Bao giờ cũng thế, một vở lịch sử thường gắn với một tên tuổi lớn. Đã làm về anh hùng, hào kiệt của dân tộc thì phải có chất hùng ca. Tất nhiên, trong câu chuyện thì bao giờ anh hùng cũng đi với mỹ nhân, có như vậy vở kịch mới hấp dẫn.

Vở diễn lần này hoành tráng, đông nam thanh nữ tú. Chúng tôi huy động khoảng 150 người, có nhờ cả bên múa và bên võ thuật kết hợp với anh em ba đoàn của Nhà hát. Đạo diễn còn mong muốn có nhiều người hơn nữa càng tốt, với những buổi quan trọng có thể diễn ở quảng trường chẳng hạn thì diễn khoảng 200-300 người cho hoành tráng rầm rập khí thế.

- Đang theo học làm đạo diễn, lại vừa có ba tháng làm việc với đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu vốn dày dặn kinh nghiệm làm phim lịch sử, cổ trang anh đã học hỏi được điều gì?


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Có rất nhiều cái mình phải học hỏi họ nhưng đôi khi kinh nghiệm làm phim của họ đã trở thành công thức, thành chuẩn mực nên lại không được linh hoạt như người Việt. Đặc biệt, sự chuyên nghiệp trong giờ giấc, tác phong mình phải học hỏi họ nhiều, bởi ngay từ khâu quần chúng họ đã chuyên nghiệp kinh khủng.

Phim “Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long” quay trong hơn ba tháng thì chúng tôi phải dành hơn một tháng chỉ tập luyện thể lực và đọc kịch bản.

Đến khi quay chính thức, cả đoàn thường xuyên phải dậy từ 5 giờ sáng tới nửa đêm mới xong, thậm chí có hôm tới  hai, ba giờ sáng ngày hôm sau, về nghỉ được một lúc thì 5 giờ họ đã lại hô dậy quay tiếp, bất cần biết mình như thế nào. Khối lượng công việc kinh khủng khiếp.

Làm không đàng hoàng “các cụ” quở chết

- Sau một thời gian dài “đắm đuối” với những vai phản diện, gần đây lại liên tiếp nhận các vai nhân vật lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh (trong “Lý Công Uẩn - Đường đến thành Thăng Long”), Lý Thường Kiệt (trong “Tình sử ngàn năm”), điều đó mang lại cho anh cảm xúc thế nào?

Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Ừ, tôi cũng cảm thấy rất vui, nó như là cái duyên. Dịp 1000 năm Thăng Long mà tôi đảm nhận những vai anh hùng dân tộc thì thấy mình phải có trọng trách, làm về “các cụ” thì không đùa được, phải làm cho đàng hoàng chứ không “các cụ” quở chết.

Vì thế tôi phải bỏ các việc khác để dồn hết khả năng, tâm huyết vào đây. Không có sức khoẻ tôi đảm bảo không thể làm nổi vì riêng “chạy thử” vở “Tình sử ngàn năm” đã mất 3 tiếng rưỡi trên sân khấu, mà vai của tôi là một võ tướng thì lúc nào cũng phải quần quật, hò hét, đấm đá tưng bừng, lúc múa kiếm, lúc múa côn, lúc đánh quyền…

Mình thể hiện nhân vật anh hùng phải cho ra chất hào sảng. Nhưng cũng có nhiều cảnh tình cảm sướt mướt khi lột tả mối tình của Lý Thường Kiệt với nàng Thuận Khanh. Đây là vở sử ca tâm lý chứ không nặng về hô hào khẩu hiệu.

- Thấy anh tập với võ sư hùng hục từ sáng tới giờ, mồ hôi ướt lưng áo mà vẫn có vẻ rạng rỡ thế. Bận rộn mà vẫn…tưng bừng nhỉ?


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Lịch của tôi bây giờ là sáng tập ở Nhà hát, chiều đi học trên trường Sân khấu và Điện ảnh, chiều tối đến lại tập cho đội bóng vì tôi đang là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nhà hát kịch Hà Nội, vừa thắng hai trận tưng bừng xong đấy nhé. Tối tối lại ra sân hò hét với anh em cũng vui lắm.

- Chứng tỏ sức khỏe anh phải rất dẻo dai!


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: (cười tủm) Cái đấy thì mình cũng… không nắm được.

- Sắp tới hình như anh sẽ tham gia dự án phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn?


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: Phim hài nhẹ nhàng, hóm hỉnh, hiện đại, dài 30 tập sẽ quay trong khoảng ba tháng  trong đó có lấy hình mẫu của tôi ngoài đời. Lần này phim nói về anh chàng đi tán gái yêu tới tám cô. Tên phim là “Xin thề anh nói thật.”

- Nếu bây giờ Trung Hiếu xin thề sẽ nói thật, đó là…


Nghệ sĩ Ưu tú Trung Hiếu: (bối rối) Thì… xin thề là vẫn đang… làm nghề thôi.

Cảm ơn nghệ sĩ Trung Hiếu!


Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục