Lần đầu tiên có một trường ca về các bài thuốc Đông y được xuất bản

Với hơn 6.000 câu thơ lục bát, tác phẩm “Toát yếu Đông dược diễn ca” của tác giả lương y Nguyễn Hữu Hiệp và tiến sỹ Nguyễn Thị Vinh Huê là một công trình có giá trị về mặt y học và văn học.
Lương y Nguyễn Hữu Hiệp giới thiệu về cuốn sách trước các sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Lương y Nguyễn Hữu Hiệp giới thiệu về cuốn sách trước các sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 15/1, tác phẩm “Toát yếu Đông dược diễn ca” được giới thiệu tại Hà Nội với sự tham gia của gần 1.000 sinh viên Y-Dược tại các trường Đại học.

“Toát yếu Đông dược diễn ca” là cuốn sách được biên soạn dựa trên hiểu biết sâu rộng cũng như kinh nghiệm phong phú của lương y Nguyễn Hữu Hiệp và Tiến sỹ dược học Nguyễn Thị Vinh Huê, nhằm đáp ứng sự quan tâm và nhu cầu nghiên cứu của cộng đồng về Đông y bao gồm các nguồn gốc thiên nhiên sẵn có và phương pháp điều chế cổ truyền được sàng lọc qua hàng ngàn năm.

Lần đầu tiên có một trường ca về các bài thuốc Đông y được xuất bản ảnh 1Cuốn sách chứa đựng nội dung dày dặn kiến thức Y học cổ truyền, cũng là một tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam. (Ảnh: AlphaBooks)

Nội dung cuốn sách được diễn đạt dưới dạng văn vần như một bản trường ca, bao gồm 6.202 câu thơ liên hoàn về vần, điệu thể lục bát, viết về gần 400 vị thuốc, được sắp xếp thành 16 phần theo tác dụng chữa bệnh của Đông dược và 1 phần về sự cấm kỵ khi dùng thuốc. Mỗi vị thuốc được biên soạn đầy đủ thông tin từ tên gọi, đặc tính, công năng, chủ trị đến kiêng kỵ.

Lương y Nguyễn Hữu Hiệp, Thường trực Ban biên tập Tạp chí Cây thuốc quý, cho biết các sách thuốc xưa kia cũng có đôi chỗ được viết bằng văn vần để cho dễ nhớ, bởi nói đến các vị thuốc đông y, không có cách nào khác là người sử dụng phải học thuộc lòng. Cổ nhân đã nói: “Người hành nghề Đông y mà không hiểu đầy đủ về tên vị thuốc, khí, vị, công năng, chủ trị của nó thì chẳng khác nào đi đêm không có đèn đuốc."

“Tôi đã biên soạn cuốn sách này bằng cách tập hợp lượng thông tin khổng lồ chứa đựng kho báu của nền Đông y Việt Nam cùng với những nghiên cứu, kinh nghiệm nhiều năm của bản thân. Cái khó trong khâu biên soạn là làm sao viết ra được những câu thơ lục bát. Có khi tôi mất cả đêm mới nghĩ ra được một chữ để đặt vào câu thơ sao cho đúng mà vẫn đảm bảo về vần điệu,” ông cho biết.

Đánh giá về cuốn sách, giáo sư, tiến sỹ Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội khẳng định đây là một công trình khoa học rất có giá trị.

“Qua các tài liệu thu thập và kinh nghiệm sử dụng của bản thân, Lương y đã biên soạn riêng một phần về nhóm thuốc cổ truyền có tương kỵ, thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai và những thức ăn tránh dùng khi uống thuốc. Cuốn sách có khối lượng kiến thức lớn, rất có giá trị về việc sử dụng thuốc cổ truyền. Đây cũng là một tác phẩm lớn làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam, có thể nói là trường ca đầu tiên về Đông dược được xuất bản trong thời hiện đại,” ông nói.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Vinh Huê là con gái của lương y Nguyễn Hữu Hiệp. Chị đã có hơn 20 công trình nghiên cứu về dược liệu được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của Việt Nam và quốc tế. Chị cho biết trong lần tái bản sau, cuốn sách sẽ được bổ sung thêm phần hình ảnh minh họa, để tiện lợi trong việc tra cứu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục