Làn sóng sửa đổi hiến pháp và nguy cơ bất ổn tại châu Phi

Châu Phi chứng kiến nhiều nước tiến hành sửa đổi hiến pháp cho phép các lãnh đạo đương nhiệm được kéo dài nhiệm kỳ cũng như tập trung hóa quyền lực.
Làn sóng sửa đổi hiến pháp và nguy cơ bất ổn tại châu Phi ảnh 1Cử tri Ai Cập bỏ phiếu trưng cầu sửa đổi Hiến pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng issafrica.org ngày 7/5 có bài phân tích về làn sóng sửa đổi hiến pháp của các nước châu Phi mở đường cho các nhà lãnh đạo vượt qua rào cản pháp lý về giới hạn nhiệm kỳ và xu hướng này trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định của châu lục, nội dung như sau:

Một lần nữa, châu Phi chứng kiến nhiều nước tiến hành sửa đổi hiến pháp cho phép các lãnh đạo đương nhiệm được kéo dài nhiệm kỳ cũng như tập trung hóa quyền lực.

Hồi tháng 4/2019, Comoros là nước mới nhất gia nhập xu hướng này với việc Tổng thống Azali Assoumani được bầu đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ mới và có thể nắm quyền đến năm 2029, sau khi nước này tiến hành sửa đổi hiến pháp hồi tháng 7/2018 vốn gây nhiều tranh cãi.

[Sudan: Liên minh châu Phi thúc đẩy thỏa thuận chuyển giao quyền lực]

Mới đây, Quốc hội Ai Cập cũng đã thông qua hiến pháp sửa đổi, tạo điều kiện cho đương kim Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi có thể tại vị đến năm 2030.

Hai trường hợp trên tiếp nối làn sóng thay đổi hiến pháp trước đó tại các nước Rwanda, Burundi, Cộng hòa Congo và Chad.

Cho đến nay, việc thay đổi hiến pháp được thực hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi, với việc các đảng cầm quyền và tổng thống đương nhiệm bị cáo buộc thao túng kết quả.

Từ năm 2015, Algeria, Burundi, Comoros, Chad, Gabon, Cộng hòa Congo, Rwanda, Togo và Uganda đã sửa đổi hiến pháp theo hướng có lợi cho tổng thống đương nhiệm, từ tập trung hóa quyền lực đến cho phép kéo dài thêm nhiệm kỳ mà trước đó theo quy định của hiến pháp cũ đã bị tới hạn.

Xu hướng này đã và đang diễn ra bất chấp Hiến chương châu Phi về dân chủ, bầu cử và quản trị quy định "các biện pháp bất hợp pháp nhằm sử dụng hoặc duy trì quyền lực để có được sự thay đổi một cách vi hiến về chính quyền sẽ bị Liên minh châu Phi (AU) trừng phạt."

Các phương tiện bất hợp pháp được đề cập ở đây bao gồm "khai thác bất kỳ sự sửa đổi, bổ sung về hiến pháp hoặc các công cụ pháp lý khác, thể hiện vi phạm các nguyên tắc về sự thay đổi mang tính dân chủ của chính phủ."

Hầu hết các nước châu Phi, trong đó có Burundi, Comoros, Chad, Cộng hòa Congo, Gabon, Togo và Uganda, đã ký Hiến chương châu Phi về dân chủ, bầu cử và quản trị hồi tháng 1/2007.

Các quyết định của Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) thuộc AU rút gọn năm 2009 một lần nữa nhấn mạnh vấn đề vi hiến trong thay đổi chính phủ. Vấn đề này đã và đang được thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên, hiện AU vẫn chưa có sự đồng thuận về những trường hợp sửa đổi hiến pháp dẫn đến "sự thay đổi vi hiến của chính phủ" được đề cập trong Hiến chương. Liệu các hành vi sửa đổi hiến pháp theo hướng đó có bị trừng phạt hay không.

Hiện nay, chỉ các cuộc đảo chính quân sự chịu sự trừng phạt của Hiến chương và Tuyên bố Lomé (7/2000).

PSC thuộc AU cũng đã thảo luận vấn đề này trong nhiều năm và giao cho Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm ngăn chặn những thay đổi vi hiến của chính phủ.

Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia thành viên AU, những sửa đổi hiến pháp như vậy vẫn tiếp tục diễn ra và về cơ bản vi phạm các nguyên tắc dân chủ, dẫn đến sự bất ổn và độc đoán.

Để ngăn chặn xu hướng này, PSC cần đảm bảo các nước thành viên thông qua, cụ thể hóa trong các khung pháp lý quốc gia và tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ khi sửa đổi hiến pháp.

Hầu hết các sửa đổi hiến pháp diễn ra trước cuộc bầu cử cũng như hướng đến làm suy yếu một cách rõ rệt đối với các nguyên tắc dân chủ, sự tham gia đời sống chính trị, phân chia quyền lực và thay thế quyền lực vốn đã được quy định trong hiến pháp, dù có thể chưa hoàn hảo.

Điều này đặc biệt đúng đối với các sửa đổi hiến pháp nhằm loại bỏ các đối thủ chính trị và kéo dài nhiệm kỳ của lãnh đạo đương nhiệm, trong khi làm suy yếu nguyên tắc phân chia quyền lực hoặc tăng quyền hành pháp.

Việc nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm cố gắng sửa đổi hiến pháp đang gây ra sự bất an, bất ổn và xung đột bạo lực ở các khu vực thuộc châu Phi như đã diễn ra tại như Burkina Faso (năm 2014), Cộng hòa Congo (2015-2018), Burundi (năm 2015), Togo (2017-2019) và Sudan (2018-2019).

Cho đến nay, AU đã đối phó chứ không phải chủ động giải quyết những trường hợp này.

Hiện tại, quân đội vẫn đang nắm quyền ở Sudan.

Chủ tịch Quốc hội Algeria đang là tổng thống tạm quyền cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống mới được tổ chức tại nước này.

Tuy nhiên, những người biểu tình nghi ngờ về khả năng liệu những người đang nắm quyền có thể tổ chức các cuộc bầu cử công bằng hay không.

AUC đã coi tình hình ở Sudan là một sự thay đổi vi hiến của chính phủ.

Ngày 15/4 vừa qua, PSC đã ấn định thời hạn hai tuần, sau đó gia hạn thành 90 ngày, buộc lực lượng quân đội nắm quyền ở nước này phải chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự.

Hồi tháng 2/2019, Quốc hội Ai Cập đã thông qua kiến nghị sửa đổi hiến pháp.

Nếu được thông qua tại Quốc hội và vượt qua cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống el-Sisi có thể nắm quyền cho đến năm 2030.

Các nhà phê bình cho rằng các biện pháp đang áp dụng sẽ tăng quyền lực của tổng thống và quân đội, làm giảm tính độc lập của ngành tư pháp.

Trước nguy cơ ngày càng tăng do sửa đổi hiến pháp, PSC nên ưu tiên vấn đề này và thúc đẩy thực thi các khung pháp lý liên quan.

Điều kiện tiên quyết là PSC phải nêu rõ những tình huống nào dẫn đến sửa đổi hiến pháp là những thay đổi vi hiến của chính phủ.

Do đó, PSC cần thúc đẩy AUC xây dựng hướng dẫn sửa đổi hiến pháp quốc gia.

PSC cũng cần quy định các biện pháp áp dụng trong trường hợp có sự vi phạm bộ tiêu chuẩn đã ban hành nhằm đảm bảo tính nhất quán và dự kiến các biện pháp ứng phó ở cấp châu lục.

Cho đến nay, khuôn khổ pháp lý của AU chỉ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những thay đổi một cách vi hiến.

Thay vì chỉ đưa ra các phản ứng trừng phạt, PSC cần ủy quyền cho một tiểu ban cụ thể với nhiệm vụ giám sát các sửa đổi hiến pháp.

Ủy ban này có thể hỗ trợ các quốc gia thành viên, thực hiện các nhiệm vụ giám sát và tư vấn để đảm bảo các quá trình sửa đổi hợp hiến, minh bạch và thể hiện nguyện vọng của người dân.

PSC có thể giám sát chặt chẽ hơn nữa sự tuân thủ tiêu chuẩn thay đổi hiến pháp bằng cách yêu cầu các quốc gia thành viên thông báo chính thức cho AU về bất kỳ sửa đổi hiến pháp nào để PSC triển khai các nhiệm vụ tư vấn hoặc giám sát, hỗ trợ quá trình này.

Từ năm 2014, PSC đã dự định đưa ra các quy định pháp lý khác nhau nhằm ngăn chặn những thay đổi vi hiến của chính phủ và những quy định này cần được hợp nhất thành một khung pháp lý toàn diện duy nhất.

Điều này sẽ giúp thành lập các cơ quan kỹ thuật để giám sát các sửa đổi hiến pháp đang diễn ra, đề xuất PSC đưa ra những phản ứng sớm.

Cuối cùng, PSC phối hợp với các nước thành viên chưa ký hoặc chưa phê chuẩn các khung pháp lý AU có liên quan đến vấn đề này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của lục địa trong việc nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy dân chủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục