LHQ kêu gọi Mỹ công nhận tư cách pháp lý với người nhập cư đặc biệt

Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein lên tiếng kêu gọi Mỹ công nhận tư cách pháp lý lâu dài đối với người nhập cư thuộc diện đặc biệt.
LHQ kêu gọi Mỹ công nhận tư cách pháp lý với người nhập cư đặc biệt ảnh 1Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Zeid Raad al Hussein (Ảnh: Reuters)

Ngày 11/9, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein đã bày tỏ quan ngại trước việc Washington quyết định chấm dứt chương trình tạm hoãn trục xuất hàng trăm nghìn người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (gọi tắt là DACA), cho rằng những đối tượng này cần được công nhận "tư cách pháp lý lâu dài."

Phát biểu mở màn phiên họp lần thứ 36 của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Al Hussein đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy những tác động tích cực của chương trình DACA đối với cuộc sống của hàng trăm nghìn người nhập cư trẻ tuổi, cũng như với nền kinh tế và xã hội Mỹ.

Ông bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ công nhân "tư cách pháp lý lâu dài" đối với những đối tượng vốn được hưởng lợi từ DACA.

Bên cạnh đó, ông Al Hussein cũng lo ngại về thực trạng bắt giữ và trục xuất những người nhập cư đã định cư lâu dài và có lý lịch tốt đang ngày càng gia tăng tại Mỹ.

[Hàng nghìn người dân Mỹ tuần hành ủng hộ chương trình DACA]

Ông cho biết số trường hợp bắt giữ những người nhập cư chưa từng phạm tội trong 5 tháng đầu năm nay cao hơn 155% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan chức Liên hợp quốc này cũng tái khẳng định sự quan ngại đối với chủ nghĩa bài Do thái và nạn phân biệt chủng tộc nổi lên trong vụ bạo động vừa qua tại thành phố Charlottesville, bang Virginia của Mỹ.

Ngày 5/9, bất chấp những lời cảnh báo của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định bãi bỏ DACA và kêu gọi Quốc hội thông qua cải cách luật nhập cư trên diện rộng, coi đây là cơ hội để Quốc hội thật sự hành động.

Với quyết định này, hàng trăm nghìn người nhập cư đang ở độ tuổi 20 sẽ có từ 6 đến 24 tháng trước khi chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và phải đối mặt với lệnh trục xuất.

Quyết định đã vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước và các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - vốn có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi.

Chương trình này cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất, có nghĩa chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ.

Những người này có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu. Cơ quan Di trú và công dân sẽ quyết định từng trường hợp có thể ở lại hay không.

Tuy nhiên, trong thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions lập luận rằng chương trình này là vi hiến và đã khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp.

Số người nhập cư trẻ tuổi đăng ký tại Mỹ hiện là khoảng 800.000 người, tuy nhiên, ước tính còn một khoảng tương đương số những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục