Libya đề nghị Italy gửi tàu thuyền hỗ trợ cuộc chiến chống buôn người

Người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya được quốc tế công nhận đã lên tiếng kêu gọi Italy gửi tàu thuyền tới vùng biển Libya để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người.
Libya đề nghị Italy gửi tàu thuyền hỗ trợ cuộc chiến chống buôn người ảnh 1Tàu chở người di cư được cứu trên biển Địa Trung Hải cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy ngày 21/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/7, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cho biết người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận Fayez al-Sarraj đã lên tiếng kêu gọi Italy gửi tàu thuyền tới vùng biển Libya để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo tại Roma, Italy. Thủ tướng Gentiloni nêu rõ: "Ông Sarraj đã gửi một lá thư yêu cầu Chính phủ Italy cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật phiên chế trong các đơn vị hải quân Italy đối với cuộc chiến chung chống lại nạn buôn người tại vùng biển Libya."

Theo Thủ tướng, Bộ Quốc phòng Italy đang xem xét yêu cầu này và những lựa chọn sẽ được thảo luận với chính quyền Libya và Quốc hội Italy. Thủ tướng Gentiloni nhấn mạnh Italy sẽ phản ứng một cách tích cực, cho rằng điều này là cần thiết, là tiến triển quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người.

[Lực lượng Libya cứu gần 1.000 người di cư trên Địa Trung Hải]

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Sarraj khẳng định: "Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nhữa để lực lượng bảo vệ bờ biển có thể chống lại nạn nhập cư bất hợp pháp và đảm bảo rằng chúng ta có những phương tiện kỹ thuật tiên tiến để kiểm soát bờ biển 2 nước."

Đề xuất của phía Libya được cho là hướng tới một giải pháp mới nhằm hạn chế số thuyền chở người di cư xuất phát từ bờ biển Libya và giảm bớt áp lực đối với Chính phủ Italy, vốn đang phải đối mặt với làn sóng hàng nghìn người di cư đang tìm cách vượt biển để tới quốc gia này, chủ yếu từ Libya. Theo Bộ Nội vụ Italy, cho đến nay, gần 94.000 người di cư đã cập bến an toàn vào bờ biển của Italy để tới châu Âu, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cũng cho biết kể từ tháng 1 tới nay, khoảng 2.370 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu.

Trước đó, ngày 25/7, Hội đồng châu Âu (EC) cũng đã quyết định gia hạn "Chiến dịch Sophia" đến cuối năm 2018, sau khi hết hạn ngày 20/7, để tiến hành các hoạt động giám sát và thu thập thông tin tình báo về hoạt động xuất khẩu dầu lậu từ Libya, đánh giá chất lượng huấn luyện của các thành viên Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya, đồng thời tăng cường chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên EU và các cơ quan thực thi pháp luật.

"Chiến dịch Sophia" được triển khai từ năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo được các nghị sĩ của ủy ban chuyên trách các vấn đề EU thuộc Hạ viện Anh, lực lượng này không thể tới vùng biển Libya mà không có đề nghị từ phía chính phủ nước này. Trong khi đó, Libya lại đang chìm trong bạo lực và bất ổn chính trị. Báo cáo nhấn mạnh chiến dịch quá tốn kém và không thể ngăn cản người di cư tới châu Âu qua tuyến đường chết chóc này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục