Lịch sử kiến trúc trong những hộp nhà "con nhộng" ở Nhật Bản

Tòa nhà với hình dáng độc đáo này được thiết kế vào năm 1972 bởi kiến trúc sư Kisho Kurokawa, đã từng xuất hiện trong bộ phim “The Wolverine” vào năm 2013.
Lịch sử kiến trúc trong những hộp nhà "con nhộng" ở Nhật Bản ảnh 1Tòa nhà Nakagin Capsule. (Nguồn: interiorator.com)

Mỗi khi đêm xuống ở Tokyo, số ít những người còn đang sinh sống trong tòa nhà Nakagin Capsule lại chìm vào giấc ngủ trong những hộp nhà nhỏ xíu với diện tích sàn chỉ khoảng 10m2.

Những hộp nhà này giống như các cabin nhỏ trong những khách sạn ‘con nhộng’ nơi nhân viên văn phòng hay những người lỡ tàu dừng chân để chợp mắt vài giờ đồng hồ.

Một trăm bốn mươi hộp nhà của tháp Nakagin là đại diện cho một phần đặc biệt của lịch sử kiến trúc, và là một công trình đáng được bảo vệ - đó là ý kiến của những người đang tham gia cuộc vận động phản đối kế hoạch phá bỏ tháp Nakagin Capsule.

“Chúng tôi sẽ vận động quyên góp từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đang cố gắng mua lại từng hộp nhà một. Mỗi phòng đều được tính là một lá phiếu biểu quyết về số phận của tòa nhà,” ông Masato Abe, người sáng lập Dự án Bảo vệ Tháp Nakagin Capsule chia sẻ.

Tòa nhà với hình dáng độc đáo này được thiết kế vào năm 1972 bởi kiến trúc sư Kisho Kurokawa, đã từng xuất hiện trong bộ phim “The Wolverine” vào năm 2013.

Trong thực tế, khoảng một nửa số hộp nhà hiện đang được sử dụng như những ngôi nhà dự phòng, văn phòng hay studio nghệ thuật, song vẫn có trên dưới 20 hộp nhà là tổ ấm duy nhất của những người dân.

Một chiếc giường, một chiếc bàn gấp và thậm chí là cả phòng tắm được sắp xếp trong một hộp nhà với diện tích sàn chỉ vào khoảng 10m2.

Khung cửa sổ lớn, có hình tròn, cùng với những chi tiết kiến trúc và nội thất của những năm 70 như đồng hồ và hệ thống âm thanh retro mang lại cho những chiếc hộp cảm giác như thể chúng đang bị mắc kẹt trong quá khứ, thời mà những chi tiết ấy được coi là mang theo phong cách của tương lai.

Hai kiến trúc sư người Bồ Đào Nha là Ana Luisa Soares và Filipe Magalhães đã cùng nhau sống trong một hộp nhà ở đây trong vòng một năm. Họ chia sẻ rằng cuộc sống ở quận Shimbashi của Tokyo thật “tuyệt vời,” bởi sự sôi động của khu vực đông dân này của thành phố không chỉ có ở ban ngày mà còn tiếp tục mãi cho tới đêm muộn.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ không hề dễ dàng, do tòa nhà đã có những dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. “Amian cách nhiệt của những hộp nhà không còn hoạt động nữa, thế nên mùa đông thì rất lạnh mà mùa hè lại rất nóng,” họ chia sẻ.

Những đường ống rỉ sét, hệ thống nước xuống cấp nghiêm trọng cùng với tương lai mờ mịt của tòa nhà khiến hơn một nửa số hộp nhà hiện đang bị bỏ mặc.

Chủ nhân của những hộp nhà này muốn Nakagin Capsule bị phá bỏ để có thể gặt hái chút lợi nhuận từ tòa nhà căn hộ mới sẽ được xây dựng thay thế.

Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra nếu có ít nhất 80% chủ sở hữu bỏ phiếu đồng ý phá hủy tòa nhà, theo lời ông Tatsuyuki Maeda, người hiện đang sở hữu 7 hộp nhà và thường tân trang lại chúng vào cuối tuần với kế hoạch đem chúng ra cho thuê.

Tiền thuê một hộp nhà rơi vào khoảng 60.000 yen (559 USD) một tháng, nhưng như vậy vẫn là thấp hơn rất nhiều so với tiền thuê một căn hộ rộng rãi trong một tòa nhà mới nào đó.

Vào năm 2007, Nakagin Capsule suýt chút nữa đã bị phá hủy, tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến các kế hoạch tái phát triển bị hủy bỏ. Do đó, chiến dịch bảo vệ tòa nhà lại được hồi sinh.

Từ đó, nhiều hộp nhà đã đổi chủ, và những người chủ mới như anh Maeda đều mong muốn tòa nhà sẽ được giữ lại. “Hiện tại, kế hoạch phá hủy vẫn còn được bàn tới, nhưng ngoài ra họ cũng đang thảo luận về việc sửa chữa tòa nhà với quy mô lớn,” Maeda cho hay.

Tuy nhiên, bế tắc này vẫn chưa được giải quyết. “Ngay bây giờ thì không có cách nào để bảo vệ tòa nhà với chi phí bảo dưỡng hợp lý cả, nhưng dù sao thì tòa nhà cũng không thể bị phá hủy nếu không có sự đồng ý của ít nhất 4 phần 5 chủ sở hữu,” trích một tuyên bố của nhà chức trách.

Trong khi đó, nhiều dự án đang được thực hiện nhằm mang tới cuộc sống mới cho tòa nhà, như cho thuê hay sử dụng với mục đích nghệ thuật.

Christian Dimmer, giáo sư kiến trúc đô thị của Đại học Tokyo nhận định rằng tòa tháp do Kurokawa thiết kế là một ví dụ về phong cách kiến trúc chịu ảnh hưởng của phong trào Chuyển hóa thời hậu chiến.

Mục đích của phong trào này là tạo ra những không gian sống bền vững, có khả năng tái tạo, mà người sử dụng có thể mang theo nếu họ muốn chuyển đi nơi khác.

Những hộp nhà của tòa tháp Nakagin Capsule được thiết kế để có thể gỡ bỏ và thay thế sau mỗi 25 năm, mặc dù hoạt động này đã không được thực hiện.

Dimmer cũng gợi ý rằng nếu chiến dịch quyên góp của Masato Abe không giữ lại được tòa nhà thì các hộp nhà có thể được tháo rời và gửi đi khắp thế giới như những hiện vật tôn vinh tư tưởng Chuyển hóa của Kurokawa.

Những hộp nhà có thể trở thành một ví dụ về cách thức “sống gọn nhẹ hơn, bền vững hơn, và hạnh phúc hơn với ít tài nguyên hơn,” Dimmer chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục