Liên minh GAVI gây quỹ hơn 2 tỷ USD cung cấp vắcxin cho các nước nghèo

Theo liên minh GAVI, nguồn ngân sách của Cam kết thị trường mở tiên tiến (AMC) sẽ cho phép việc mua 1 tỷ liều vắcxin cho 92 quốc gia trong đợt đầu.
Liên minh GAVI gây quỹ hơn 2 tỷ USD cung cấp vắcxin cho các nước nghèo ảnh 1Nghiên cứu vắcxin ngừa COVID-19 tại Viện Vaccine Quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cam kết thị trường mở tiên tiến (AMC) - một cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) thiết lập nhằm tài trợ cho việc cung cấp vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển - đã gây quỹ được hơn 2 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra ban đầu.

Theo liên minh GAVI, nguồn ngân sách của AMC sẽ cho phép việc mua 1 tỷ liều vắcxin cho 92 quốc gia trong đợt đầu.

Phát biểu với báo giới ngày 13/11, người đứng đầu liên minh GAVI Seth Berkley nêu rõ liên minh vẫn cần được hỗ trợ khẩn cấp lên tới 3 tỷ USD cho công tác chẩn đoán và 6,1 tỷ USD cho việc điều trị bệnh đến cuối năm nay.

[WHO thảo luận đưa vắcxin Sputnik V vào danh sách sử dụng khẩn cấp]

Ngoài ra, GAVI cần thêm 5 tỷ USD trong năm 2021 để đặt mua vắcxin ngừa COVID-19 đang trong quá trình bào chế và sẽ được nhà chức trách phê duyệt.

Cho đến nay, số tiền tài trợ trên đến từ các chính phủ, khu vực tư nhân và một số nhà hảo tâm khác.

Hai hãng dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech cũng đã ngỏ ý cung cấp vắcxin cho Cơ chế tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do WHO, GAVI và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI) điều hành.

Hiện GAVI vẫn đang đàm phán với một số nhà sản xuất để đảm bảo việc tiếp cận vắcxin công bằng.

Liên minh GAVI gây quỹ hơn 2 tỷ USD cung cấp vắcxin cho các nước nghèo ảnh 2Nhân viên kiểm tra vắcxin phòng COVID-19 tại Anagni, Đông Nam thủ đô Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, Công ty sinh học Medicago (Canada) và Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline - GSK (Anh) ngày 12/11 thông báo bắt đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 đối với vắcxin phòng COVID-19 do hai hãng hợp tác phát triển.

Theo tuyên bố chung, hai hãng dược trên cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng đối với loại vắcxin tiềm năng được bào chế từ thảo dược sẽ bắt đầu vào trước cuối năm nay và được thử nghiệm trên 30.000 tình nguyện viên ở Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và châu Âu.

Trong khi đó, thử nghiệm giai đoạn 2 sẽ được thực hiện ở nhiều địa điểm trên toàn Canada và ở Mỹ nếu được chính phủ hai nước này chấp thuận.

Trước đó, ngày 10/11, Medicago cho biết loại vắcxin tiềm năng này có thể bảo vệ "100%" sức khỏe ở 180 người khỏe mạnh, những người này từng tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Theo Phó Chủ tịch điều hành công ty Medicago, Nathalie Landry, những kết quả này rất đáng khích lệ và hỗ trợ cho các đánh giá lâm sàng sau này.

Trong khi đó, lãnh đạo hàng đầu của GSK Thomas Breuer cho biết tập đoàn tin tưởng vào việc phân phối một vắcxin hiệu quả, an toàn trong hợp tác với Công ty sinh học Medicago.

Các nghiên cứu sẽ hướng tới khẳng định rằng công thức tiêm các liều vắcxin cách nhau 21 ngày là an toàn và kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể ở người trưởng thành khỏe mạnh từ 18-64 tuổi và ở người từ 65 tuổi trở lên.

Hồi tháng 10 vừa qua, Chính phủ Canadan đã ký thỏa thuận trị giá 173 triệu CAD (131 triệu USD) với công ty Medicago để phát triển vắcxin phòng COVID-19 và xây dựng cơ sở sản xuất tại Quebec, nơi doanh nghiệp này đặt trụ sở.

Chính phủ Canada đã đồng ý mua 76 triệu liều vắcxin của Medicago, ghi dấu thỏa thuận đầu tiên của chính phủ mua vắcxin phòng COVID-19 được sản xuất tại Canada.

Cùng ngày, người đứng đầu Công ty Pfizer Inc ở Brazil thuộc Tập đoàn Pfizer của Mỹ, Carlos Murillo cho biết công ty đang thương lượng với quốc gia Nam Mỹ này để cung cấp vắcxin phòng COVID-19 tiềm năng trong quý 1/2021.

Trong một sự kiện tổ chức trực tuyến, ông Carlos Murillo cho biết công ty đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Brazil để có thể cung cấp nhanh vắcxin phòng COVID-19 tại nước này càng nhanh càng tốt.

Hiện có khoảng 3.100 người tại Brazil đang tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối loại vắcxin do hãng Pfizer cùng đối tác BioNTech (Đức) cùng phát triển.

Hồi đầu tuần này, Pfizer cho biết dữ liệu ban đầu từ các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vắcxin này có hiệu quả tới 90%.

Vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer sẽ được bán với 3 mức giá khác nhau gồm mức giá cho những nước giàu, mức giá cho những nước có thu nhập trung bình như Brazil và cho những nước có thu nhập thấp.

Chính phủ Brazil gần đây cũng đã ký hợp đồng với hãng dược AstraZeneca Plc của Anh để mua vắcxin phòng COVID-19 của hãng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục