Lộ mục tiêu chiến lược của Viettel trong giai đoạn phát triển mới

Nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển giai đoạn thứ tư của Tập đoàn Viettel thể hiện khát vọng trở thành doanh nghiệp hàng đầu của "ông lớn" công nghiệp viễn thông Việt Nam.
Lộ mục tiêu chiến lược của Viettel trong giai đoạn phát triển mới ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (thứ ba, bên phải), nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel bàn giao chiến lược giai đoạn 4 của Viettel vàchức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Tại Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 3/8, Viettel đã công bố chiến lược phát triển lần thứ tư của mình.

Phát triển "thần tốc"

Sau 3 giai đoạn phát triển kéo dài gần 30 năm, từ một Công ty xây lắp (giai đoạn 1989 - 1999) trở thành một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam (giai đoạn 2000 - 2010) và hiện là một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2010 -2018), Viettel sẽ bước vào giai đoạn thứ tư sớm hơn dự kiến 2 năm.

[Tướng Lê Đăng Dũng nhận trọng trách lãnh đạo Tập đoàn Viettel]

Đơn cử như tại giai đoạn ba của Viettel (từ 2010 -2018), đơn vị này đã ở trong Top 30 nhà mạng lớn nhất thế giới, đầu tư ra 10 nước, duy trì vị thế là nhà mạng số 1 Việt Nam.

Ngoài ra, Viettel cũng là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam: Doanh thu tăng trưởng 2,7 lần (từ 92.000 tỷ đồng lên 252.000 tỷ đồng); lợi nhuận tăng trưởng 2,7 lần (từ 16.000 tỷ đồng lên 44.100 tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước tăng 4,5 lần (từ 9.200 tỷ đồng lên 41.100 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu tăng 4,5 lần (từ 28.600 tỷ đồng lên 128.000 tỷ đồng); thu nhập tăng 1,9 lần.

Viettel cũng đứng đầu tại danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 do Tổng cục Thuế công bố sáng 3/8. Năm 2016, Viettel cũng đứng đầu danh sách này.

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này, Viettel cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa viễn thông, công nghệ vào mọi mặt của đời sống; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và thương mại hoá thành công vũ khí chiến lược và thiết bị quân sự công nghệ cao, thiết bị mạng lưới viễn thông; hình thành và phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng vững mạnh.

Lộ mục tiêu chiến lược của Viettel trong giai đoạn phát triển mới ảnh 2Viettel là nhà mạng có vùng phủ sóng 4G rộng nhất Việt Nam tới thời điểm hiện tại. (Ảnh: VTT)

Nhiều mục tiêu khó

Chiến lược của Viettel trong giai đoạn tiếp theo (2018 – 2030), tập đoàn này quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng 10-15%, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu; tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao; trở thành top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó Top 10 về viễn thông và công nghệ thông tin, Top 20 về công nghiệp điện tử viễn thông, top 50 về công nghiệp an toàn, an ninh mạng.

[Viettel sẽ ra sao khi không còn tướng Nguyễn Mạnh Hùng chèo lái?]

Trong chiến lược này, cơ cấu doanh thu viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 55%; công nghiệp công nghệ cao chiếm 25%, lĩnh vực đầu tư vào đổi mới, sáng tạo chiếm 10% và lĩnh vực truyền thống là 10%.

Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống...

"Viettel cũng tiếp tục duy trì mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước, nhận thực hiện các việc khó mang sứ mệnh quốc gia," đại diện Viettel cho biết.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel khẳng định, đội ngũ kế cận sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao phó dựa trên việc giữ nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định tập thể nhưng vẫn phải giữ vai trò cá nhân xuất sắc, phải xác định rõ lĩnh vực, sản phẩm mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển, chú ý các chế độ, chính sách về người lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục