Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2017

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sau 3 năm duy trì ở mức ổn định, lượng khí thải carbon từ hoạt động sử dụng năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục 32,5 tỷ tấn trong năm 2017.
Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2017 ảnh 1Nhà máy xả khí thải lên bầu trời ở Broadwater, New South Wales, Australia ngày 31/7/2017. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết sau 3 năm duy trì ở mức ổn định, lượng khí thải carbon từ hoạt động sử dụng năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục 32,5 tỷ tấn trong năm ngoái, do nhu cầu năng lượng ngày càng tăng song quá trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đang chậm lại.

Theo báo cáo của IEA ngày 22/3, nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng khoảng 2,1% trong năm ngoái, tương đương 14.050 triệu tấn dầu thô, gấp đôi so với năm 2016, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Ước tính dầu thô, khí đốt và than đá đáp ứng tới hơn 70% mức tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng gần 30%.

[Thái Lan: Báo động tình trạng ô nhiễm không khí tại Bangkok]

Năm ngoái, nhu cầu sử dụng dầu thô đã tăng 1,6% (khoảng 1,5 triệu thùng/ngày), cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình hàng năm trong một thập niên trước, chủ yếu do lĩnh vực vận tải và nhu cầu hóa dầu tăng.

Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên - đa phần là các nhiên liệu hóa thạch - đã tăng 3%, và chỉ riêng Trung Quốc chiếm gần 1/3 mức tăng nhu cầu này.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng than đá đã tăng thêm 1%, đi ngược xu hướng giảm của 2 năm 2015 và 2016, do gia tăng hoạt động phát điện bằng nguồn nhiêu liệu này, chủ yếu tại châu Á. Tuy vậy, đáng chú ý, hoạt động phát điện từ năng lượng tái tạo đã tăng lên 6,3%, nhờ nâng cao khai thác nguồn năng lượng gió, Mặt Trời và thủy điện.

Theo IEA, năng lượng tái tạo đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất so với bất kỳ nguồn năng lượng nào khác và hiện đáp ứng được 1/4 nhu cầu sử dụng năng lượng trên thế giới.

Tuy nhiên, quá trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn chậm chạp khiến lượng phát thải khí carbon dioxide tăng khoảng 1,4%, mức cao kỷ lục và chỉ số này tăng lên tại hầu hết các nền kinh tế lớn, trừ Anh, Mỹ, Mexico và Nhật Bản.

Mỹ là nước ghi nhận thành quả giảm phát thải khí carbon ở mức cao nhất, nhờ tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục