Lý do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hủy chuyến thăm Nga

Một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên nhận định rằng ông Kim Jong-un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.
Lý do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hủy chuyến thăm Nga ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm quân đội Triều Tiên. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI, việc lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ bãi bỏ chuyến thăm Nga tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai ở châu Âu vào tuần tới đã châm ngòi cho một loạt những lời đồn đại về những gì đang xảy ra bên trong chế độ bí mật này.

Không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía giới chức Bình Nhưỡng, cũng như từ cơ quan thông tấn trung ương (KCNA) nước này. Giới chức Nga nói rằng quyết định này “có liên quan đến các vấn đề nội bộ của Triều Tiên.”

Kim Yong-hyun, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, nhận định rằng ông Kim Jong-un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.

Theo ông, dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi vì ông có thể cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moskva. Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước chủ yếu cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi lãnh tụ trẻ tuổi Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình.

Chuyên gia phân tích tình hình Triều Tiên, ông Daniel Pinkston thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế bác bỏ các giả thuyết cho rằng các diễn biến mới đây cho thấy tình trạng bất ổn trong chế độ, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong-un đang “lỏng tay cương." Ông Pinkston nói việc bãi bỏ chuyến đi vào phút chót không phải là điều bất thường, xét về cách thức vận hành nghi thức an ninh của Triều Tiên.

Ông Pinkston và các chuyên gia phân tích khác phỏng đoán rằng các cuộc thương nghị với Nga đã tan vỡ hoặc về nghi thức hoặc vì những yêu cầu mà phía này tìm cách áp đặt đối với phía kia.

Các chuyên gia phân tích này nói rất có thể Bình Nhưỡng đã bỏ cuộc sau khi Moskva từ chối không cung cấp đầu tư nước ngoài hay kỹ thuật quân sự đáng kể. Hoặc có thể là điều ngược lại. Có thể chính Nga đã đòi Triều Tiên quá nhiều, phải nhượng bộ để nối lại các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân hay kiềm chế không tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục