“Mảnh ghép”: Dòng hợp lưu của Gia Tùng, Như Đức và Thanh Hải

Không chỉ là dòng hợp lưu trong tư duy nghệ thuật của ba họa sỹ (Trần Gia Tùng, Nguyễn Như Đức và Nguyễn Thanh Hải), “Mảnh ghép” còn là nơi kết nối cảm xúc của ba người bạn cũ sau nhiều năm gặp lại.
“Mảnh ghép”: Dòng hợp lưu của Gia Tùng, Như Đức và Thanh Hải ảnh 1"Phố bên sông" của Nguyễn Như Đức. (Ảnh: BTC)

Triển lãm “Mảnh ghép” giới thiệu tới công chúng khoảng 20 bức tranh chưa từng được công bố của ba họa sỹ: Trần Gia Tùng, Nguyễn Như Đức và Nguyễn Thanh Hải.

Chương trình sẽ chính thức khai mạc vào 17 giờ ngày 11/11 và kéo dài 10 ngày sau đó tại không gian Laca Càphê (số 24 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Mảnh ghép” là sự lắp ghép, kết nối của những hiện thực, những không gian đô thị qua góc nhìn, cách cảm riêng của ba họa sỹ.

Hai chất liệu chính được sử dụng trong những họa phẩm này là sơn dầu và acrylic. Mỗi tác phẩm gây ấn tượng thị giác bằng một cách riêng, thể hiện phong cách của từng nghệ sỹ.

Trần Gia Tùng khai thác một hiện thực đặc biệt - hiện thực của những thông tin “vỉa hè” bộn bề, phức tạp, những câu chuyện của ga ký ức với nỗi ám ảnh về sự bất an.

“Mảnh ghép”: Dòng hợp lưu của Gia Tùng, Như Đức và Thanh Hải ảnh 2Sự bộn bề của cuộc sống qua tranh của Trần Gia Tùng. (Ảnh: BTC)

Trong khi đó, với nguồn cảm hứng được khơi gợi từ sông Hoài và phố cổ Hội An, sáng tác của Nguyễn Như Đức và Nguyễn Thanh Hải mang vẻ đẹp lãng mạn. Với bảng màu đầy ắp, thiên nhiên và con người trong tranh của hai họa sỹ mang vẻ đẹp mê đắm nhưng cũng không kém phần êm dịu, bay bổng.

Có thể nói, “Mảnh ghép” là dòng hợp lưu trong tư duy nghệ thuật của Trần Gia Tùng, Nguyễn Như Đức và Nguyễn Thanh Hải. Đó cũng là điểm dừng chân, nơi hội ngộ của ba người bạn cũ sau nhiều năm mỗi người mỗi ngả đường mưu sinh./.

“Mảnh ghép”: Dòng hợp lưu của Gia Tùng, Như Đức và Thanh Hải ảnh 3Nguyễn Thanh Hải vẽ chân dung "Nghệ sỹ violon." (Ảnh: BTC)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục