Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 vào ngày 11/5

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi của người Mỹ, gia tăng sức ép đối với những người có bảo hiểm ở mức thấp hoặc không có bảo hiểm.
Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 vào ngày 11/5 ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Massachusetts, Mỹ ngày 11/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ sẽ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vào ngày 11/5 tới.

Tình trạng khẩn cấp do COVID-19 lần đầu tiên được Mỹ đưa ra cách đây hơn 3 năm, nhằm cung cấp kinh phí và nguồn lực chống đại dịch toàn cầu này.

Kể từ khi nhậm chức năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần gia hạn tình trạng khẩn cấp này.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã đưa ra một lộ trình để từng bước chuyển đổi tiến tới chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

[WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19]

Người dân có thể vẫn được tiêm miễn phí vaccine ngừa COVID-19 ít nhất cho tới ngày 30/9/2024, nhưng có thể sẽ phải tự trang trải các chi phí xét nghiệm và điều trị COVID-19 dựa trên bảo hiểm y tế cá nhân.

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi của người dân Mỹ, gia tăng sức ép đối với những người có bảo hiểm ở mức thấp hoặc không có bảo hiểm.

Quy định bắt buộc chia sẻ kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng như dữ liệu tiêm vaccine giữa các địa phương tại Mỹ với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại nước này cũng sẽ được dỡ bỏ khi kết thúc tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19.

Quyết định trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

Lần đầu tiên WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về COVID-19 vào ngày 30/1/2020. Mức cảnh báo này được hội đồng chuyên gia y tế toàn cầu của WHO duy trì tại các cuộc họp tổ chức 3 tháng một lần kể từ đó đến nay.

Vào tháng 3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh này lây lan mạnh trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục hơn 100.000 người/tuần trong tháng 1/2021 xuống còn hơn 3.500 người/tuần trong tuần từ ngày 14-21/4 vừa qua.

Tuy nhiên, WHO khẳng định vẫn chưa thể coi COVID-19 là cúm mùa. Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh Có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa. Tuy nhiên COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19 và có thể nói rằng quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.

Nguyên nhân là do COVID-19 không theo mùa. Cúm mùa thường vào mùa đông nhưng COVID-19 ở nhiều quốc gia không hề theo mùa, có thể lây lan ở bất cứ loại thời tiết nào. Bên cạnh đó, COVID-19 vẫn còn là bệnh mới mẻ đối với cả thế giới và mới có 4 năm làm quen với COVID-19 trong khi các nhà khoa học trên thế giới đã có hàng thập kỷ nghiên cứu về cúm mùa, về các hành vi của virus, về các loại hình bệnh tật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục