Mỹ rút khỏi Afghanistan tác động ra sao đến Nam Á?

The Indian Express đăng bài của nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á, về tác động và ý nghĩa của việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đối với Nam Á.
Mỹ rút khỏi Afghanistan tác động ra sao đến Nam Á? ảnh 1Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại căn cứ không quân Bagram, Afghanistan, ngày 12/9/2006. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Indian Express đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu của Ấn Độ Raja Mohan, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, về tác động và ý nghĩa của việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan đối với khu vực Nam Á.

Nội dung như sau:

Khi những người lính Mỹ cuối cùng bắt đầu rời Afghanistan và Mỹ quay lưng lại với Trung Đông để chuyển hướng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dư luận bắt đầu nhận ra sự tồn tại của một cuộc chạy đua xem xét lại bài toán chính sách đối ngoại trong khu vực.

Kể từ khi thay Anh trở thành một thế lực lớn ở bên ngoài can thiệp vào Trung Đông cách đây nửa thế kỷ, Mỹ được coi là nhân tố chi phối các hoạt động chính trị của khu vực này.

Các cường quốc thực dân trước đây của châu Âu đã phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực. Ngược lại, Nga và Trung Quốc đã tìm cách loại bỏ sự thống trị của Mỹ.

Nhiều quốc gia trong khu vực đã tìm cách liên minh với Mỹ để bảo vệ mình trước những quốc gia láng giềng đầy tham vọng hoặc hay gây rắc rối. Những quốc gia khác tìm cách đối trọng với Mỹ. Tuy nhiên, khi Washington đang định hình lại vai trò của họ trong khu vực, việc tái cơ cấu một lần nữa đã trở thành điều không thể tránh khỏi.

Giống như hầu hết các quốc gia và cường quốc khác trong khu vực, Ấn Độ và Pakistan từ lâu đã cho rằng vai trò của Mỹ ở Trung Đông là không thay đổi. Cả hai quốc gia này giờ đây phải hình dung một Trung Đông không do Mỹ quản lý vi mô.

An ninh của Israel, việc đảm bảo nguồn cung dầu mỏ, cạnh tranh với các cường quốc khác, thiết lập nền hòa bình khu vực, thúc đẩy dân chủ và tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không còn là những yếu tố hấp dẫn để Mỹ rót những khoản đầu tư lớn về quân sự, chính trị và ngoại giao vào khu vực.

Sau những cuộc can thiệp quân sự tốn kém và kéo dài ở Trung Đông, Washington bắt đầu nhận thấy họ không thể giải quyết các cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ trong khu vực. Quan trọng hơn, Mỹ hiện có những ưu tiên cấp bách khác, chẳng hạn như thách thức từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.

Khi Mỹ rút khỏi Trung Đông, hầu hết các quốc gia trong khu vực cần những người bảo trợ thay thế hoặc giảm căng thẳng với các quốc gia láng giềng của họ. Mặc dù Trung Quốc và Nga đều có tham vọng trong khu vực, nhưng không nước nào đủ sức đảm nhận gánh nặng chiến lược mà Mỹ đã gánh vác ở Trung Đông trong suốt những thập kỷ qua. Học cách sống chung với những người hàng xóm khi đó đã trở thành một ưu tiên cấp thiết.

[NATO quyết định chưa rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan vào tháng 4] 

Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra rằng nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ không thể hỗ trợ các chính sách khu vực đầy tham vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Sau nhiều năm thách thức sự lãnh đạo của Saudi Arabia đối với thế giới Hồi giáo, Erdogan đang chìa cành ôliu cho Riyadh và nỗ lực làm lành với Ai Cập sau nhiều năm cố tìm cách gây bất ổn cho Cairo bằng cách ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo.

Sau nhiều năm thù địch căng thẳng, Saudi Arabia và Iran hiện tìm cách giảm căng thẳng và kiềm chế các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong khu vực.

Saudi Arabia cũng đang cố gắng thu hẹp mâu thuẫn ở Vùng Vịnh bằng cách chấm dứt các nỗ lực hòng cô lập Qatar trước đó. Những thay đổi này diễn ra sau những động thái lớn hồi năm ngoái của một số quốc gia Arab như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Maroc và Sudan, nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel.

Việc Ấn Độ nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên trong khu vực mà không đề cập đến các xung đột của họ đã được minh chứng bằng một loạt thay đổi diễn ra trong thời gian qua.

Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã trở nên thù địch với Ấn Độ dưới thời Erdogan, Delhi đã thành công trong việc mở rộng quan hệ với hầu hết các nước trong khu vực. Hy vọng rằng những thay đổi mới trong khu vực sẽ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ có cái nhìn mới mẻ hơn về quan hệ của họ với Ấn Độ.

Trong khi Delhi tỏ ra thực dụng, Pakistan lại gặp khó khăn trong việc điều chỉnh các chính sách đối với Trung Đông. Pakistan không thể vượt qua sự phản đối ý thức hệ trong nước để thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel mặc dù thừa nhận rằng quan hệ bình thường với nhà nước Do Thái sẽ phục vụ lợi ích của Pakistan.

Islamabad cũng rơi vào thế bí trong việc đối phó với các đối thủ trong khu vực ở Trung Đông. Khi lên nắm quyền cách đây gần 3 năm, Thủ tướng Imran Khan đã tiết lộ những kế hoạch phô trương về việc thiết lập một khối Hồi giáo mới với Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia.

Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi đã công khai chỉ trích Tổ chức Hợp tác Hồi giáo do Saudi Arabia đứng đầu vì không tham gia phản đối những sửa đổi hiến pháp của Ấn Độ đối với khu vực Jammu và Kashmir.

Saudi Arabia và UAE đã nhanh chóng nhắc nhở về sự phụ thuộc kinh tế sâu sắc của Pakistan vào các quốc gia Arab bạn bè ở Vùng Vịnh khi lên tiếng đòi Islamabad trả các khoản vay nợ. Abu Dhabi cũng siết chặt quy định đối với lao động xuất khẩu của Pakistan sang UAE. Kể từ đó, Tổng chỉ huy quân đội Pakitan Qamar Javed Bajwa đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ của Pakistan với các quốc gia Vùng Vịnh, mà đỉnh điểm là chuyến thăm của Thủ tướng Imran Khan đến Saudi Arabia hồi tuần trước. 

Mỹ rút khỏi Afghanistan tác động ra sao đến Nam Á? ảnh 2Binh sỹ Ấn Độ được triển khai gần Ranh giới kiểm soát (LoC) ở huyện Kupwara thuộc Jammu-Kashmir, ngày 14/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nếu các hệ tư tưởng tôn giáo ở Pakistan mong đợi một sự lên án mạnh mẽ từ Saudi Arabia đối với chính sách Kashmir của Ấn Độ thì có lẽ họ sẽ phải thất vọng.

Tuyên bố chung Saudi Arabia-Pakistan chỉ đơn giản là ủng hộ một cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan về tất cả các vấn đề, bao gồm cả Kashmir. Việc Pakistan xích lại gần Saudi Arabia cho thấy Tiểu lục địa dù muốn nhưng không thể dựa vào các hình thức hệ tư tưởng cũ như chủ nghĩa Hồi giáo, chủ nghĩa Arab hay chủ nghĩa chống Mỹ trong một khu vực đang trải qua những biến đổi lớn. Chủ nghĩa dân tộc, lợi ích kinh tế và an ninh của chế độ được ưu tiên hơn các hệ tư tưởng siêu việt. 

Dù cố ý hay không, việc tái thiết lập khu vực ở Trung Đông trùng hợp với nỗ lực của Ấn Độ và Pakistan nhằm hạ nhiệt căng thẳng của họ. Lệnh ngừng bắn dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir được đưa ra hồi cuối tháng Hai vừa qua vẫn còn hiệu lực.

Quân đội Pakistan đang tranh cãi về việc liên kết hay tách rời vấn đề sửa đổi hiến pháp năm 2019 của Ấn Độ đối với Kashmir với vấn đề bình thường hóa quan hệ hai nước. Không rõ cuộc tranh luận này sẽ kết thúc như thế nào và tác động của nó đối với đối thoại Ấn Độ-Pakistan ra sao.

Trong khi đó, việc Mỹ rút quân đội khỏi Afghanistan đặt ra những thách thức lớn cho Tiểu lục địa. Ấn Độ và Pakistan, vì những lý do rất khác nhau, có lẽ muốn thấy lực lượng Mỹ ở lại Afghanistan mãi mãi. Đối với Delhi, sự hiện diện quân sự của Mỹ có thể giúp kiểm soát các lực lượng cực đoan và tạo điều kiện thuận lợi cho vai trò của Ấn Độ ở Afghanistan.

Đối với Pakistan, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan khiến Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào Pakistan trong việc tiếp cận địa lý và hỗ trợ hoạt động. Và sự phụ thuộc đó có thể được huy động để chống lại Ấn Độ. Thế nhưng, Mỹ đang rời khỏi Afghanistan.

Ấn Độ và Pakistan sẽ phải sống chung với những hệ quả của nó, bao gồm Taliban trở lại nắm quyền ở Kabul và sự thúc đẩy chủ nghĩa tôn giáo cực đoan bạo lực trong khu vực. Viễn cảnh về các liên kết xuyên biên giới giữa Taliban và các lực lượng cực đoan khác trong khu vực là một thách thức mà các quốc gia Nam Á sẽ sớm phải đối đầu và cần giải quyết càng sớm càng tốt.

Bạo lực leo thang ở Afghanistan và cuộc tấn công nhằm vào cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed hồi tuần trước cho thấy những nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố mà Nam Á tiếp tục phải đối mặt. Nếu các quốc gia Nam Á không hợp tác với nhau để chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, mỗi quốc gia sẽ bị suy yếu.

Cuối cùng, tình trạng hỗn loạn hiện nay ở khu vực Đại Trung Đông nhấn mạnh nguy cơ Tiểu lục địa quên rằng lợi ích quốc gia - hay lợi ích dân tộc chủ nghĩa - phải được đặt lên hàng đầu, trước tất cả các vấn đề quan trọng khác, bao gồm cả các vấn đề tôn giáo.

Ở Pakistan, các lực lượng tôn giáo được trao quyền trong nhiều thập kỷ qua đã tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Pakistan đối với Trung Đông, Nam Á và châu Âu. Một nhà nước nhường quyền lực cho chủ nghĩa cực đoan dưới bất kỳ hình thức nào đều có nguy cơ bị tiêu diệt bởi chính nó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục