Mỹ ủng hộ ý tưởng của Nga về phái bộ Liên hợp quốc tại Ukraine

Quan chức Mỹ cho rằng đề xuất của Nga là một "bước tiến," sẽ giúp cho các nhà đàm phán có thêm ý tưởng nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Mỹ ủng hộ ý tưởng của Nga về phái bộ Liên hợp quốc tại Ukraine ảnh 1Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker. (Nguồn: Voanews/TTXVN)

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker nhấn mạnh việc Nga ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới miền Đông Ukraine sẽ giúp cho các nhà đàm phán có thêm ý tưởng nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Chiến lược châu Âu Yalta tại Kiev ngày 16/9, quan chức Mỹ cho rằng đề xuất của Nga là một "bước tiến" dẫn đến một cuộc thảo luận và đưa vấn đề này ra xem xét tại Hội đồng Bảo an ​Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, ông Kurt Volker cũng bày tỏ quan ngại rằng một số điều khoản trong đề xuất của Nga "càng làm gia tăng sự chia rẽ tại Ukraine."

Theo quan điểm của ông Volker, không nên hạn chế phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại đường giới tuyến ở miền Đông Ukraine.

[Cử lực lượng LHQ tới Ukraine có thể làm dịu căng thẳng với Nga]

Trước đó, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế đang giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Moskva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc đường giới tuyến giữa các lực lượng của chính quyền Kiev với các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, và việc triển khai này phải được lực lượng đòi độc lập nhất trí.

Phía Đức đã "hoanh nghênh về nguyên tắc" đối với đề xuất của Nga, đồng thời cho biết cần chờ xem liệu các bên có thể đạt một thỏa thuận chi tiết hay không.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của Liên hợp quốc phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.

Hiện khoảng 600 quan sát viên của OSCE đang có mặt tại miền Đông Ukraine, song sự hiện diện của họ cũng không giúp chấm dứt giao tranh bùng phát tại đây kể từ đầu năm 2014.

Trong 3 năm qua, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục