Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp những nhiệm kỳ qua chưa đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội có xu hướng sụt giảm.
Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ảnh 1Các nữ đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiều 26/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Chương trình phối hợp hoạt động, nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tới.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa nhấn mạnh trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và đã có những đóng góp nhất định vào thành công của các cuộc bầu cử, trong đó có các hoạt động góp phần tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp những nhiệm kỳ qua chưa đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội có xu hướng sụt giảm.

Để góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng dự thảo Chương trình phối hợp hoạt động nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị các đại biểu thảo luận sôi nổi, tích cực, đưa ra những ý kiến quý báu để Chương trình phối hợp sớm được hoàn thiện và ký ban hành, làm cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân chưa đạt theo mục tiêu đề ra như thiếu nguồn phụ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn; phụ nữ phải gánh nhiều cơ cấu; việc phân bổ người ứng cử vào các đơn vị bầu cử có những bất lợi cho phụ nữ; nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí của phụ nữ vẫn còn có những định kiến nhất định.

Các đại biểu cũng cho rằng, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác bầu cử có nhiều tích cực, song vẫn còn khó khăn, hạn chế như việc tham mưu giới thiệu nguồn nhân sự nữ thiếu tính chiến lược, việc tham gia vào các tổ chức bầu cử một số nơi chưa thực sự hiệu quả, chưa có những chiến lược tuyên truyền phù hợp, thu hút cử tri, thiếu kỹ năng giám sát hiệu quả...

Các đại biểu thảo luận về các nhiệm vụ cụ thể của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, hai cơ quan cần tăng cường sự chủ động, tích cực tham gia ý kiến với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu nữ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát công tác tham gia bầu cử của các đơn vị trong hệ thống tổ chức để có kiến nghị, đề xuất kịp thời đảm bảo tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục