Báo Gazeta.ru của Nga số ra ngày 13/12 cho biết trong năm 2015, GDP của Ukraine giảm 12%, còn lạm phát đạt mức kỷ lục 60% - những chỉ số kinh tế tồi tệ nhất của quốc gia này trong vòng 5 năm trở lại đây.
Kết quả bết bát như vậy, cộng thêm những hoạt động quân sự ở miền Đông và sự sụt giảm đáng kể tổng khối lượng thương mại với Nga, sự phục hồi kinh tế Ukraine sẽ không thể diễn ra một cách nhanh chóng.
Năm 2016, GDP Ukraine được dự báo sẽ chỉ tăng thêm 1% và lạm phát sẽ là không dưới 12%.
Nền kinh tế Ukraine đang suy giảm với một tốc độ đáng lo ngại. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, năm 2015, GDP của nước này sẽ giảm 12%. Đây là mức cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia hồi mùa hè vừa qua với chỉ số suy giảm GDP ở mức 9-9,2%.
Trong số các nước SNG thì Ukraine là quốc gia dẫn đầu về mức độ sụt giảm của nền kinh tế.
Tại Nga, theo dự đoán của Ngân hàng Trung ương Nga, GDP cũng sẽ giảm, nhưng ít hơn, chỉ ở khoảng từ 3,7% đến 3,9%. Con số này đã được cải thiện bởi trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo nền kinh tế sẽ sụt giảm khoảng từ 3,9-4,4%.
Phát triển chậm chạp là tình trạng chung của nền kinh tế thế giới. Trong bản dự báo nền kinh tế thế giới hồi tháng 10 (World Econimic Outlook, WEO), Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã hạ 0,2% mức dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2015, 2016 và đạt lần lượt là 3,1% và 3,6%.
Nhà kinh tế học chính của IMF Maurice Obstfeld cho rằng: “Trong tương lai gần, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ ở mức vừa phải và không đồng đều, nhưng mức độ rủi ro đã giảm bớt hơn so với các số liệu hồi tháng Bảy vừa qua.”
Giai đoạn khó khăn
Chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm nghiên cứu Chính sách quốc tế Aleksandr Acorn cho rằng: “Trong nửa đầu năm nay GDP đã suy giảm đáng kể, trong khi kết quả của nửa cuối năm bù đắp cho nửa năm trước đó là không nhiều.”
Theo số liệu của Cục Thống kê Nhà nước, trong quý 1 năm nay, GDP của Ukraine giảm tới 17,2%, và trong quý 2 là mức 14,6% và quý 3 là 7%. Nhưng trong quý 4, Ngân hàng quốc gia dự báo mức tăng trưởng là 2-2,5%.
Tại sao tình hình thực tế tại Ukraine lại xấu hơn dự báo? Nguyên nhân chính là các hoạt động quân sự tích cực ở miền Đông mà nước này theo đuổi trong suốt nửa đầu năm 2015.
Sự hoảng loạn trong người dân đã dẫn đến việc vào tháng Hai, giá trị đồng tiền quốc gia Ukraine đã giảm tới 38-40 hrivna/1 USD và nhiều người Ukraine đã bán tháo tài sản để chạy ra nước ngoài.
Mối quan hệ căng thẳng với Nga đã dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch thương mại một cách đáng kể. Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa Ukraine vào Nga giảm 55,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 3,6 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu hàng hóa giảm tới 47,9%, tương đương 5,5 tỷ USD.
Quả thật, các số liệu thống kê cho thấy Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, chiếm 12,8% hàng hóa xuất khẩu và 20% hàng hóa nhập khẩu. Vị trí thứ hai về xuất khẩu là Thổ Nhĩ Kỳ (7,3%), còn nhập khẩu là Đức và Trung Quốc lần lượt là 10,9% và 9,8%.
Cho tới nay, Ukraine vẫn không thể tận dụng các ưu đãi mà Liên minh châu Âu đã đơn phương điều chỉnh tất cả các loại lệ phí đối với các ngành sản xuất của Ukraine.
Giám đốc Trung tâm phân tích Ukraine Aleksandr Okhrimenko cho biết: “Để cung cấp hàng hóa cho các quốc gia EU thì các doanh nghiệp Ukraine phải nhận được giấy chứng nhận phù hợp và đây là một thủ tục hết sức phức tạp.”
Các quốc gia EU chưa bãi bỏ hạn ngạch đối với hàng hóa Ukraine, ví dụ như việc cung cấp vào EU quả óc chó. Kết quả là trong 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu Ukraine đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2014.
Biến động tỷ giá
Để bù đắp cho phần hàng hóa xuất khẩu sụt giảm, có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng điều này cũng không thể thực hiện được.
Theo số liệu của Cục thống kê nhà nước, trong tháng 10/2015, doanh thu bán lẻ đã giảm 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối năm, con số này có thể được cải thiện một chút vào tháng 11 và 12, lên mức giảm 16-17%.
Để so sánh, trong vòng 10 tháng ở Nga, theo số liệu của Rostat, kim ngạch thương mại giảm 11,7% và cả năm, theo dự đoán của Bộ phát triển kinh tế, sẽ giảm khoảng 8,2%.
Người tiêu dùng Ukraine đang ngày càng trở nên nghèo đi, người sử dụng lao động thì không muốn tăng lương, mức lạm phát cả năm nay có thể sẽ đạt 50,8% (tại Nga, là khoảng 11-13%).
Các ngân hàng thì không thể cung cấp tài chính vào nền kinh tế liên quan đến các vấn đề thanh khoản, lãi suất cao - khoảng 30% mỗi năm đối với đồng tiền quốc gia - và các điều kiện nghiêm ngặt khi cho vay.
Đồng sở hữu chuỗi “Tavria-V” và “Cosmos” Boris Muzalev cho biết: “Người mua lựa chọn các loại thực phẩm rẻ nhất, đặc biệt là các sản phẩm dán nhãn mác của các chuỗi cửa hàng đơn lẻ.” Trong khi đó, doanh số bán xe ôtô, bất động sản, các tour du lịch nước ngoài giảm mạnh.
Lạm phát đã khiến đồng hrivna mất giá và hồi mới đầu năm nay đã mất khoảng 48%. Cũng trong giai đoạn này, đồng ruble của Nga cũng mất đi khoảng 23% giá trị.
Không có các biện pháp cải cách
Các thành viên của Chính phủ Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh rằng thời gian tồi tệ nhất đã qua đi và nền kinh tế Ukraine đang bắt đầu hồi phục. Theo Ủy ban Thống kê Nhà nước, vào thời điểm nửa đầu năm 2015, nền kinh tế Ukraine đã chạm“đáy.” Bắt đầu từ giai đoạn này, tốc độ suy giảm đang chậm dần nhưng chưa thể đạt mức tăng trưởng.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng thế giới, năm 2016, GDP của Ukraine sẽ tăng 1% trong khi lạm phát sẽ giảm xuống mức 12,2%. Một báo cáo của cơ quan này cho biết: “Sự hồi phục kinh tế sẽ có thể diễn ra muộn hơn so với dự kiến và sẽ không thực sự rõ rệt.”
Vào năm 2017, tăng trưởng của kinh tế Ukraine sẽ tăng lên mức 2% và tiếp 1 năm sau đó con số này sẽ là 3%.
Các nhà phân tích phải thừa nhận rằng Ukraine sẽ không thể cho thấy một “điều thần kỳ” về kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Lý do là không có các biện pháp cải cách triệt để trong ngành tòa án và để xảy ra tình trạng tham nhũng cao. Đây chính là yếu tố không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, vốn có thể là đầu tàu của nền kinh tế Ukraine trong giai đoạn này./.