Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/1 cho biết khoảng 1.600 người đã được mời tới khu nghỉ dưỡng Sochi, bên bờ Biển Đỏ của Nga, vào tuần tới để tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về một hiến pháp thời hậu chiến cho Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn bộ trên Maria Zakharova cũng thông báo các quan sát viên quốc tế, trong đó có cả các quan chức Liên hợp quốc, sẽ tham gia hội nghị cùng với các phe phái ở Syria. Phía Nga sẽ có Ngoại trưởng Sergei Lavrov tham dự.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tại cuộc họp báo trên, bà Zakharova cũng lên án cái mà bà gọi là "âm mưu của Mỹ nhằm chia nhỏ Syria" khi lên kế hoạch thành lập các đội bảo vệ biên giới dưới sự bảo trợ của Mỹ tại miền Bắc Syria.
Bà nhấn mạnh: "Moskva tin rằng không thể biến Syria thành vũ đài đối đầu của các lực lượng bên ngoài, đang theo đuổi những lợi ích riêng của mình."
Người phát ngôn này khẳng định "chỉ người dân Syria mới quyết định được tương lai đất nước mình," đồng thời bày tỏ hy vọng Hội nghị Sochi tới sẽ là bước tiến quan trọng trên con đường này.
[Damascus sẽ cử 680 đại biểu tới dự Đại hội đối thoại dân tộc Syria]
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chính phủ Syria sẽ cử 680 đại biểu tới dự Hội nghị Sochi, trong khi phe đối lập tại nước này cũng đang có kế hoạch cử 400 đại biểu đến dự Đại hội. Các phe phái đối lập ở bên ngoài Syria cũng sẽ cử đại diện tới dự.
Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Nasr Hariri đánh giá cuộc đàm phán tới sẽ là "phép thử" cho cam kết của tất cả các bên đối với một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự.
Hội nghị Sochi, diễn ra vào ngày 29-30/1 tới, là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Moskva phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 7 năm qua tại Syria.
Trước đó, 3 nước này đã tổ chức 8 cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) trong năm 2017 và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng "giảm xung đột" ở miền Tây Syria.
Ngoại trưởng Nga bày tỏ tin tưởng rằng tại Hội nghị Sochi tới, các bên ở Syria có thể đạt được sự hiểu biết cũng như nhận thức chung về tiến trình cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát, nếu họ cam kết tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc chuẩn bị cho Hội nghị Sochi được xúc tiến trong bối cảnh vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc chủ trì đang diễn ra tại Vienna (Áo).
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura công nhận tính hợp pháp của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi, nhưng vẫn chưa quyết định có phát biểu tại cuộc gặp này không.
Trong khi đó, phương Tây và một số nước Arab cho rằng sáng kiến của Moskva sẽ đặt nền móng cho một giải pháp có lợi hơn cho Chính phủ Syria và các đồng minh.
Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều nước khác.
Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm./.