Ngày 15/3, một năm sau sự kiện bán đảo Crimea gia nhập Liên bang Nga theo kết quả trưng cầu dân ý, kênh truyền hình Russia-1 của Nga đã trình chiếu bộ phim tài liệu "Crimea: Đường về Tổ quốc," trong đó các tác giả bộ phim đã phỏng vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin về lý do ông quyết định tiếp nhận Crimea.
Tổng thống Putin cho biết trước khi xảy ra các sự kiện biểu tình và xung đột tại Maidan, dẫn đến việc thay đổi chế độ tại quốc gia láng giềng của Nga sau đó, ông chưa bao giờ nghĩ đến việc tách Crimea khỏi Ukraine, mà chỉ chỉ thị thực hiện một cuộc thăm dò kín, theo đó có tới 75% người dân bán đảo mong muốn gia nhập Liên bang Nga.
Đồng thời, tình hình bùng phát chủ nghĩa dân tộc đáng ngại tại Ukraine đã thôi thúc Moskva tái sáp nhập Crimea. Theo ông Putin đánh giá, Crimea là lãnh thổ lịch sử của Nga (chỉ được trao cho Ukraine vào năm 1954), Moskva không thể bỏ mặc khi người Nga, hiện sinh sống và chiếm phần lớn dân số của bán đảo, bị đe dọa.
Tổng thống Putin cũng khẳng định ông đã chỉ thị phải tiến hành việc sáp nhập hoàn toàn dựa vào nguyện vọng của người dân bán đảo, thực hiện mọi quy trình theo pháp luật. Người đứng đầu nhà nước Nga cho biết ông cũng không sử dụng quyền đưa quân vào Crimea mà Thượng viện Nga trao cho ông trước đó.
Ông nói rõ Moskva đã không đưa quân đội vào Crimea cũng như không vượt quá quân số cho phép tại căn cứ của mình ở bán đảo này. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho biết sau đó lực lượng phản gián và lính thủy đánh bộ Nga đã được điều đến để hỗ trợ phong tỏa và giải giáp trong hòa bình và không đổ máu 20.000 binh sỹ Ukraine đóng quân tại Crimea.
Theo lời Tổng thống V.Putin, Moskva đã sẵn sàng trước những phản ứng đối với quyết định thu nhận Crimea của mình, thậm chí ở giai đoạn ban đầu Moskva từng sẵn sàng tuyên bố đưa vũ khí hạt nhân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Trong khi bảo vệ Crimea, có giai đoạn Moskva đã điều hệ thống phòng thủ bờ biển "Bastion" tới và bố trí để có thể quan sát được từ vũ trụ. Đây là một hệ thống vũ khí chính xác cao, hiệu quả bậc nhất trên thế giới.
Về tương lai phát triển Crimea, Tổng thống V.Putin đặt ra các nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng cầu vượt biển Kerch từ lãnh thổ đất liền của Nga tới Crimea, đồng thời đảm bảo các điều kiện phát triển năng lượng tại khu vực bán đảo, khôi phục lại các cơ sở nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Crimea.
Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng quá trình sáp nhập Crimea theo nguyện vọng của người dân sẽ hoàn tất khi giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, cũng như khôi phục lại vị trí của Crimea như một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa Nga.
Bộ phim tài liệu "Crimea: Đường về Tổ quốc" dài hơn 3 giờ đồng hồ, được nhà báo Nga Andrey Kondrashov thực hiện trong suốt 8 tháng từ năm 2014, ghi lại chi tiết hầu hết các sự kiện hồi mùa Xuân năm 2014, dẫn đến kết quả bán đảo Crimea tổ chức trưng cầu dân ý, trong đó có tới 97% người dân bán đảo ủng hộ gia nhập thành phần Liên bang Nga.
Thu hút nhiều sự chú ý nhất trong bộ phim là cuộc phỏng vấn giữa Tổng thống V.Putin với tác giả bộ phim.
Vào ngày 18/3/2014 tại Moskva, ông Putin đã ký Hiệp ước tiếp nhận và thành lập hai chủ thể liên bang mới của Liên bang Nga với Thị trưởng thành phố Sevastopol Aleksey Chalyi, cùng đại diện của Crimea là Thủ tướng Sergey Aksenov và Chủ tịch Nghị viện Vladimir Konstantinov./.