Nghệ An bứt phá trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ

Với 5 mũi đột phá và 3 vùng kinh tế trọng điểm, Nghệ An hy vọng sẽ tạo được bứt phá, phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực để kinh tế toàn tỉnh phát triển, trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Nghệ An bứt phá trở thành trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung Bộ ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN) 

Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước với số dân đứng thứ 4 cả nước, những năm gần đây, Nghệ An đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực, tạo bứt phá đi lên, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn Cơ quan thường trú TTXVN tại Nghệ An.

- Xin ông cho biết về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2015-2020?

Ông Hồ Đức Phớc: Chuẩn bị cho Đại hội, công tác văn kiện được tỉnh Nghệ An tiến hành một cách công phu, bài bản, khoa học. Tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các nhà khoa học, các nhân sỹ, tri thức, đặc biệt là bám sát Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Nghệ An; làm việc với một số trường đại học; lấy ý kiến các bậc lão thành cách mạng, Hội đồng hương của tỉnh Nghệ An tại Hà Nội, ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy...

Vì vậy, bộ văn kiện của Đại hội hết sức hoàn chỉnh, khoa học, từ việc đánh giá các thành tựu đã đạt được cho đến nhận định, bài học kinh nghiệm cũng như chỉ ra những yếu kém, đề ra các mục tiêu tổng quát, mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp, chương trình hành động để thực hiện.

Công tác nhân sự cũng được tỉnh chuẩn bị từ rất sớm theo đúng quy định, chỉ thị của Trung ương, đúng theo các quy trình, được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến nhiều lần. Công tác nhân sự được tiến hành một cách khách quan, dân chủ. Tỉnh ủy đã xin ý kiến Trung ương và có sự đồng thuận rất lớn trong toàn Đảng bộ.

- Là địa phương được Bộ Chính trị ban hành riêng Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2020, Nghệ An đã triển khai thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Hồ Đức Phớc: Nghệ An triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉnh luôn xác định Nghị quyết số 26-NQ/TW là kim chỉ nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển của tỉnh trong tương lai.

Sau khi có Nghị quyết, Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức quán triệt; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 21 chương trình hành động để triển khai thực hiện đồng thời phổ biến trong toàn Đảng bộ, tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, sau đó tổ chức thực hiện một cách quyết liệt.

Có thể khẳng định đây là Nghị quyết hiệu quả, hợp lòng dân và cũng là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh nhất; thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với tỉnh Nghệ An - quê hương Bác Hồ kính yêu, tạo đà cho địa phương bứt phá đi lên.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 là 6,5%, đến năm 2015 dự kiến đạt 7,3%; thu ngân sách năm 2013 đạt 6.500 tỷ đồng, năm 2015 dự kiến đạt 10.034 tỷ đồng; từ một xã đạt nông thôn mới năm 2013, đến nay đã có 114 xã.

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể thao văn hóa, du lịch... đạt được nhiều thành quả tích cực và có bước phát triển đáng kể.

- Ông có thể cho biết một số kết quả trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng tại địa phương?

Ông Hồ Đức Phớc: Tỉnh ủy Nghệ An quan tâm toàn diện về công tác xây dựng Đảng, từ công tác tư tưởng đến công tác dân vận, tổ chức, kiểm tra... Tỉnh ủy chăm lo công tác xây dựng Đảng, tạo đồng thuận, đoàn kết, thống nhất để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chung.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh xác định phải nhìn nhận, sửa chữa những tồn tại để vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Đảng bộ Nghệ An đã kiểm điểm một cách nghiêm túc, có kế hoạch, biện pháp khắc phục các tồn tại và tiến hành kiểm điểm lại.

Cùng với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tỉnh ủy Nghệ An cũng phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Nghệ An cũng ban hành Chỉ thị nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính Nhà nước, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tốt hơn, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Để xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng tình cảm của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Nghệ An có giải pháp gì nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá, phát triển nhanh và bền vững?

Ông Hồ Đức Phớc: Mục tiêu tổng quát được tỉnh Nghệ An đề ra là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường đoàn kết, thống nhất; huy động và phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh ; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Để thực hiện được các mục tiêu, tỉnh cụ thể hóa thành nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Nghệ An xác định 3 vùng kinh tế trọng điểm là phát triển thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam gắn với vùng Nam Nghệ-Bắc Hà; phát triển vùng Hoàng Mai-Đông Hồi gắn với vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ; phát triển vùng Tân Kỳ-Đô Lương-Nghĩa Đàn-Thái Hòa-Quỳ Hợp gắn với miền Tây Nghệ An.

Tỉnh tập trung xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm này, tạo động lực để các vùng kinh tế khác cũng như kinh tế toàn tỉnh phát triển.

Cùng với đó, tỉnh đề ra 5 mũi đột phá gồm phát triển du lịch dịch vụ; phát triển công nghiệp công nghệ cao và chế biến gắn với khai thác tốt tài nguyên của địa phương; đầu tư cho cơ sở hạ tầng; tái cơ cấu trong nông nghiệp, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh cải cách thể chế, ban hành các cơ chế tạo đà cho phát triển, tăng cường cải cách hành chính.

Với 5 mũi đột phá và 3 vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Nghệ An hy vọng sẽ tạo được bứt phá, phát triển nhanh và bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục