Nhà báo Trần Mai Hạnh - Vẫn là biên bản nhưng là của... tình yêu

Sau thành công của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,” nhà báo Trần Mai Hạnh tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết tư liệu “Lời tựa một tình yêu” - mở thêm một lãnh địa nữa cho báo chí, văn học giao thoa.
Nhà báo Trần Mai Hạnh - Vẫn là biên bản nhưng là của... tình yêu ảnh 1Nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh (phải) và nhà báo Đỗ Phượng. (Ảnh: CTV)

Nhà báo Trần Mai Hạnh đã kết nối cái thực trên đời và cái cảm trong đầu mình, để viết về những sự kiện làm rúng động lịch sử đấu tranh của đất nước qua nỗi đau, sự hy sinh mất mát và niềm hạnh phúc của những người trong cuộc.

Vậy là mở ra thêm một lãnh địa nữa cho báo chí, văn học giao thoa. Ông đàng hoàng khẳng định phong cách viết tiểu thuyết tư liệu của mình chỉ sau một thời gian ngắn.

Sau thành công khá vang dội của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” (Giải thưởng Hội Nhà văn 2015, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015), nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh tiếp tục cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tư liệu mới “Lời tựa một tình yêu,” phát hành nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2016).

Với cuốn sách này, có thể nói ông đã góp công đẩy tiểu thuyết tư liệu lên một vị trí mới trong văn học Việt Nam, mang lại một sự kết hợp đẹp đẽ hơn giữa văn chương và báo chí.

Mối tình có thật và đẹp hơn cả huyền thoại của hai chiến sỹ cộng sản: Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu trên thực tế đã làm bất kể những gì viết về họ đều mang bóng dáng tiểu thuyết. Một Đảng viên trẻ vừa 20 tuổi với một nữ sinh 18 tuổi cùng hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên yêu nước ở Sài Gòn.

Lần đầu tiên anh nói lời yêu, chưa nhận được hồi đáp thì cũng là lần xa nhau dằng dặc. Anh Lê Hồng Tư bị bắt ngay sau đó, bị Tòa án chính quyền Ngô Đình Diệm kết án tử hình. Chưa nhận lời yêu, chưa nắm tay một lần, chị đã coi chị là vợ của anh khi nghe tin anh bị tuyên án. Rồi, chị cũng bị giam cầm.

Họ bị giam cầm đầy đọa qua hàng chục nhà tù, riêng anh Lê Hồng Tư bị cầm tù 15 năm, trong đó trọn 13 năm ở “địa ngục trần gian Côn Đảo,” ba lần chuẩn bị ra pháp trường xử bắn (trong đó có vụ gây chấn động dư luận thế giới cùng Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính ngày 23/5/1962).

Hai người chiến sỹ cộng sản ấy đã vượt qua bao giông tố, biến động, thử thách, hy sinh và phải 15 năm sau, kể từ lúc ngỏ lời, họ mới gặp lại nhau. 15 năm đoạn trường ấy, những nhắn gửi yêu thương giữa họ mà các chiến sỹ cộng sản giúp chuyển lời nhau đến các nhà tù nhiều khi thấm máu.

Nhà báo Trần Mai Hạnh - Vẫn là biên bản nhưng là của... tình yêu ảnh 2Hình ảnh bìa cuốn sách. (Ảnh: CTV)

Ngày 7/5/1975, sau ngày thống nhất đất nước, chị Nguyễn Thị Châu được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Quận 10. Anh Lê Hồng Tư cùng các bạn tù Côn Đảo trở về. Họ hạnh phúc trong lễ cưới được tổ chức vào ngày 17/8/1975, Trung Thu đầu tiên của đất nước giải phóng.

Câu chuyện được viết bởi một nhà báo đã gắn bó với hai nhân vật trong tiểu thuyết không dưới 40 năm. Từng là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là phóng viên đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam.

Những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, tác giả có cơ duyên gặp và có thời gian dài làm việc với anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu. Sau ngày 30/4, chị Châu là Chủ tịch Ủy ban Quân quản quận 10.

Tài liệu để tác giả  xây dựng nên tác phẩm này do anh  Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu trực tiếp cung cấp, kể lại và có tham khảo những tài liệu liên quan đến tình hình miền Nam và phiên toà Mỹ-Diệm xử tử hình anh Lê Hồng Tư và anh Lê Quang Vịnh ngày 23/5/1962 mà Trung tâm Thông tin-Tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam còn lưu giữ.

Trong thời gian sau đó, quá xúc động với mối tình đặc biệt của hai chiến sỹ cộng sản và với ý thức xây dựng tư liệu, lấy thông tin rất hiếm một nhà báo nào trong chiến tranh đã từng làm, nhà báo Trần Mai Hạnh lặn lội tới hơn chục nhà tù mà hai nhân vật của ông (ông gọi một cách thân thương là anh và chị - anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu) từng bị giam giữ, trong đó có bốn chuyến trở lại Côn Đảo tới những hầm đá, chuồng cọp, lao cấm cố mà anh Lê Hồng Tư từng bị giam cầm tra tấn và từng vượt ngục, gặp lại anh Lê Hồng Tư, chị Nguyễn Thị Châu và các nhân chứng để lấy thêm tài liệu, bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết về tình yêu mà mình ôm ấp.

“40 năm đã qua, đọc lại để viết đôi lời với bạn đọc, vẫn không khỏi xúc động bồi hồi trước mối tình đẹp như huyền thoại của anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu,” tác giả nói ở lời đầu sách như vậy.

“Tôi không có ý định làm văn chương nhưng sức cuốn hút của câu chuyện, những bão táp họ đã trải qua và cuộc sống hiện tại của họ khiến tôi không thể không cầm bút,” ông nói thêm.

Trần Mai Hạnh đã từng viết về tình yêu huyền thoại này, ngay sau khi biết về hai nhân vật, trong một cuốn sách ngắn mang tên “Tình yêu và án tử hình.”

Nhà báo Trần Mai Hạnh - Vẫn là biên bản nhưng là của... tình yêu ảnh 3Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7/5/1975 sau lễ míttinh ra mắt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định (Nguồn: Đinh Quang Thành/TTXVN-ảnh tư liệu)

Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh nhắc lại: “40 năm trước, khi bản thảo lần đầu hoàn thành, anh Trần Mai Hạnh có gửi đến tôi. Sau khi cử cán bộ làm việc với các cơ quan có trách nhiệm của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/9/1976, tôi có ký văn bản xác nhận để anh công bố với bạn đọc. Nay, sau 40 năm, với bốn chuyến trở lại Côn Đảo tới những hầm đá, chuồng cọp, lao cầm cố anh Lê Hồng Tư từng bị giam cầm tra tấn và từng vượt ngục, gặp lại anh Lê Hồng Tư, chị Nguyễn Thị Châu và các nhân chứng để lấy thêm tài liệu, anh đã bổ sung, hoàn thiện cuốn tiểu thuyết về tình yêu mà mình ôm ấp, đặt tên là ‘Lời tựa một tình yêu’ và lại gửi tới tôi.”

Sau 40 năm, cuốn sách đã mang một dung mạo khác, đã trở thành tiểu thuyết thật sự. Không chỉ là tường thuật nữa, tường thuật là nghề nghiệp báo chí. Nhà báo Trần Mai Hạnh đã kết nối cái thực trên đời và cái cảm trong đầu mình, để viết về những sự kiện làm rúng động lịch sử đấu tranh của đất nước qua nỗi đau, sự hy sinh mất mát và niềm hạnh phúc của những người trong cuộc.

Những cuốn tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết không hư cấu, đã làm chúng ta gần lại cuộc chiến tranh hào hùng trước đây ở những những góc cạnh đẹp đẽ nhân văn nhất.

Xuất bản “Lời tựa tình yêu” vào dịp này, nhà xuất bản muốn đề cao tình yêu đất nước cao cả, cũng như tình yêu lứa đôi sắt son, chung thủy của những chiến sỹ cách mạng năm xưa, để thổi bùng lên ngọn lửa niềm tin và tình yêu cuộc sống trong giới trẻ, để những dòng chữ như trong bức thư Lê Hồng Tư gửi cho người yêu trước giờ ra pháp trường: “Trong cuộc sống, chúng ta không chỉ có đấu tranh không thôi mà còn có niềm vui của một tình yêu thật sự tốt đẹp và chân chính” mãi mãi mãi mãi không bị lãng quên trong lịch sử.”

Thêm một cuốn tiểu thuyết tư liệu, mở ra thêm một lãnh địa nữa cho báo chí, văn học giao thoa. Trần Mai Hạnh đàng hoàng khẳng định phong cách viết tiểu thuyết tư liệu của mình chỉ sau một thời gian ngắn./.

Cuốn tiểu thuyết “Lời tựa một tình yêu” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật phối hợp với Công ty Cổ phần Sách Thái Hà tổ chức xuất bản, phát hành nhân dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2016).

Cuốn sách dầy gần 250 trang, gồm 12 chương: “Ngày mai con lại đi bán cá với má…,”“Hai tiếng đồng chí,” “Lời cầu hôn và một vòng quả đất,” “Án tử hình và phiên tòa chấn động dư luận,” “Vật làm tin,” “Miếng bạc hình trái tim,” “Tội nghiệp nó ở ngoài Côn Đảo, má thương nó, thương con…,” “Đêm trước ngày ra pháp trường,” “Cuộc vượt ngục hy hữu,” “Nữ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời…,”“Giải phóng nhà tù Côn Đảo và lễ cưới đêm Trung Thu,” “Gần bốn mươi năm sau.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục