Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi vẫn muốn được xem phim 'Cậu Vàng'

Nhận được nhiều ý kiến trái chiều, song bộ phim 'Cậu Vàng' vẫn được một bộ phận khán giả đón đợi để xem khả năng diễn xuất của 'nhân vật chính' có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi vẫn muốn được xem phim 'Cậu Vàng' ảnh 1Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) và cậu Vàng phiên bản 'Làng Vũ Đại ngày ấy' của đạo diễn Phạm Văn Khoa. (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi phim “Cậu Vàng” tung trailer, nhiều khán giả quay lưng với ê-kíp vì chọn một giống chó Shiba của Nhật Bản thay vì một giống thuần Việt. Tuy nhiên, vẫn có những khán giả quyết định chờ ngày phim ra mắt ở rạp, bởi dù không hoàn toàn ủng hộ quyết định dùng chó ngoại, họ cho biết cần xem phim sau đó mới đưa ra nhận định cụ thể cho mình.

Một trong số đó có nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng khán giả nên tách bạch bộ phim khỏi tác phẩm gốc để cảm nhận tác phẩm một cách đầy đủ nhất.

“Đối với một tác phẩm chuyển thể, chúng ta hãy bớt liên hệ giữa sách và phim để tập trung xem phim, coi nó như một tác phẩm điện ảnh độc lập,” ông nói.

[Mặc dư luận, 'Cậu Vàng' ngoại vẫn được chọn cho phim thuần Việt?]

Nhà phê bình cho biết bản thân từng là một người bị ám ảnh bởi sách nên từng không cảm nhận được trọn vẹn bộ phim chuyển thể, đặc biệt là không hiểu hết những đặc thù riêng của bộ phim nói riêng và điện ảnh nói chung.

Ông diễn giải rằng qua nhân vật trung tâm: Con người là lão Hạc, con vật là chó Vàng, nhà văn Nam Cao đã thể hiện rõ rằng ông Hạc cô đơn, nhớ con trai và chỉ biết làm bạn với con chó, coi nó như người bạn, như đứa con của mình. 

“Tất nhiên, giải pháp tối ưu đối với bộ phim vẫn là chọn một con chó ta. Nhưng khi lên phim, việc con chó có diễn xuất tốt, thể hiện tình nghĩa, gắn bó với con người là rất quan trọng. Nếu chú chó lóng ngóng trên các cảnh phim thì có lẽ bộ phim khó thành công. Vì vậy tôi cho rằng nên chờ phim ra rạp để xem diễn xuất của con chó như thế nào hơn là chỉ tập trung hoàn toàn vào hình dáng, vẻ ngoài hay nguồn gốc của nó,” nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định.

Ông cũng nêu quan điểm khi làm phim, sự trung thành với tác phẩm văn học gốc thực ra chỉ là tương đối nhưng do đặc thù của thể loại, giới hạn về thời gia... Do đó, ê-kíp làm phim có thể cắt bớt tuyến nhân vật, tuyến câu chuyện và cả sự sáng tạo để bộ phim trở nên hấp dẫn trên nguyên tắc không được bóp méo, xuyên tạc tác phẩm.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi vẫn muốn được xem phim 'Cậu Vàng' ảnh 2Lão Hạc và cậu Vàng trong phim của đạo diễn Trần Vũ Thủy. (Ảnh: Nhà phát hành)

Nhà phê bình cho biết một trong những yếu tố khiến ông quan tâm tới bộ phim là cách triển khai tập trung vào nhân vật cậu Vàng thay vì lão Hạc như trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Ở đó, nhân vật cậu Vàng chỉ xuất hiện trong 2-3 phân đoạn, không có nhiều không gian để diễn xuất.

Về mặt hình ảnh, có những phản hồi xoay quanh màu phim có phần… quá tươi sáng, mộng mơ so với bối cảnh khó khăn của nguyên tác. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng đồng tình quan điểm bộ phim cần chú trọng tái tạo yếu tố này.

“Nếu mới xem trailer thì chưa thể nói gì được vì biết đâu chỉ những cảnh trong trailer mới như vậy. Tuy nhiên bộ phim nên tạo được cái không khí đói khổ, dằn vặt của lão Hạc," ông nói./.

Bộ phim “Cậu Vàng” sẽ ra mắt ngày 8/1/2021, được chỉ đạo thực hiện bởi nhà làm phim Trần Vũ Thủy, con rể của cố nghệ sỹ ưu tú Bùi Cường - người thủ vai Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục