Khoảng 4.000 nhân viên của Google đã ký vào đơn kiến nghị phản đối hợp đồng giữa công ty này với Bộ Quốc phòng Mỹ để đưa trí tuệ nhân tạo do Google phát triển vào các thiết bị bay không người lái sử dụng cho mục đích quân sự.
Bản kiến nghị lưu hành nội bộ trong vòng 3 tháng qua của các nhân viên thuộc Google này đã được gửi lên Tổng Giám đốc điều hành Sundar Pichai để kêu gọi rút khỏi dự án Maven, đồng thời yêu cầu có chính sách rõ ràng rằng Google sẽ không bao giờ tham gia xây dựng và phát triển công nghệ chiến tranh.
Theo trang công nghệ Gizmodo, hơn 10 nhân viên của Google đã xin thôi việc để phản đối hợp đồng này vì vấn đề đạo đức.
[Google dùng AI phát triển trợ lý ảo có thể gọi điện thay cho con người]
Trong một bức thư ngỏ thể hiện quan điểm ủng hộ bản kiến nghị của các nhân viên Google, Ủy ban Quốc tế về Kiểm soát Vũ khí Người máy (ICRAC) cảnh báo con người cần xem xét lại việc phát triển trí tuệ nhân tạo vì công nghệ này có thể mở đường cho các hệ thống tự động nhắm mục tiêu trên các máy bay không người lái.
Theo ICRAC, đây là một bước đi rất gần với việc máy bay không người lái được phép toàn quyền thực hiện các hành động tiêu diệt mà không có sự giám sát của con người.
Dự án Maven bắt đầu từ tháng 4/2017 với nhiệm vụ đầu tiên là phát triển và tích hợp các thuật toán trí tuệ nhân tạo cần thiết để giúp phân biệt giữa người và vật trong các video và hình ảnh từ máy bay không người lái nhằm phục vụ mục đích chống khủng bố.
Google hiện chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Ý tưởng về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào mục đích quân sự đã từng được nhiều lần mang ra thảo luận và gây nên những lo ngại cho tương lai của loài người.
Nhiều nhà khoa học thế giới đã kêu gọi đưa vấn đề này ra thảo luận công khai ở phạm vi toàn cầu và có thể cần có những thỏa thuận quốc tế về việc sử dụng công nghệ này.
Theo các nhà bình luận, các công ty như Google và nhiều tập đoàn công nghệ khác cần xem xét các hậu quả và trách nhiệm giải trình cũng như các tiêu chuẩn hành động của chính mình cũng như của các tổ chức quân sự tìm kiếm sự hợp tác./.