Nhiều nước phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria

Lãnh đạo Syria, Iran, Pháp đã lên tiếng chỉ trích và bày tỏ sự quan ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin, miền Bắc nước này.
Nhiều nước phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria ảnh 1Khói bốc lên từ khu vực Afrin nhìn từ tỉnh biên giới Hatay giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria ngày 20/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 21/1 đã lên tiếng chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin, miền Bắc nước này.

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria dẫn tuyên bố của Tổng thống Assad khẳng định đây là một phần hành động của Ankara nhằm hỗ trợ các nhóm cực đoan.

Cùng ngày, Ai Cập cũng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ quan ngại về những gì đang diễn ra tại Afrin, đồng thời yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay hành động này. Theo Bộ Ngoại giao Iran, khủng hoảng tại Afrin có thể giúp các nhóm khủng bố xuất hiện trở lại ở các khu vực miền Bắc Syria, vì vậy, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng của Syria tiếp tục duy trì nỗ lực nhằm đạt được hòa bình và giải pháp chính trị. Hiện Tehran đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Pháp đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn để đánh giá toàn bộ nguy cơ khủng hoảng nhân đạo trong bối cảnh giao tranh gia tăng ở Syria.

[Pháo kích Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt đổ quân đặc nhiệm vào biên giới Syria]

Trong một phát biểu đăng trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Syria. Ông cho biết hàng chục nghìn người Syria bị mắc kẹt bên tại các khu vực do phiến quân kiểm soát bên ngoài Damascus, Đông Ghouta, trong khi hàng chục nghìn người khác buộc phải đi sơ tán do giao tranh ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.

Do đó, ông kêu gọi ngừng ngay các cuộc xung đột, đồng thời yêu cầu hỗ trợ nhân đạo cho toàn bộ người dân ở những vùng này. Theo Ngoại trưởng Le Drian, ông đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong sáng 21/1.

Cũng trong ngày 21/1, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ cần ngừng giao tranh với các tay súng người Kurd ở Syria. Phát biểu trên đài truyền hình France 3, bà Parly cho rằng chiến dịch "Nhành Ôliu" của Ankara có thể ngăn cản lực lượng người Kurd đang đứng về phía liên minh quân sự quốc tế chiến đấu chống các phần tử cực đoan tại Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn sớm kết thúc chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở miền Bắc Syria.

Phát biểu với báo giới ở tỉnh Bursa, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này tiến hành chiến dịch "Nhành Ôliu" nhằm đánh bật Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi Afrin, miền Bắc Syria, Tổng thống Erdogan khẳng định chiến dịch này sẽ kết thúc trong một thời gian ngắn. Ông cảnh báo những người phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria sẽ "phải trả giá đắt." Ông nhấn mạnh các lực lượng an ninh sẽ can thiệp nếu lực lượng ủng hộ phe đối lập thân người Kurd có động thái chống đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố trên sau khi đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd kêu gọi người dân xuống đường biểu tình.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết Ankara đang duy trì liên lạc với Damascus về chiến dịch của các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin thông qua sự dàn xếp của Nga. Đài NTV dẫn phát biểu của ông Yildirim nêu rõ nhóm Quân đội Syria Tự do (FSA) - đồng minh của Ankara, cùng với các đơn vị của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Afrin, đồng thời nhấn mạnh Nga không phản đối chiến dịch này trong khi Iran đã bày tỏ quan ngại. Thổ Nhĩ Kỳ ước tính số phần tử khủng bố ở Afrin có khoảng từ 6.000 đến 10.000 tên.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Syria bác bỏ tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc đã thông báo cho Damascus về chiến dịch tấn công Afrin, đồng thời coi chiến dịch này là động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc tấn công chủ quyền của Syria.

Ngày 20/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thông báo bắt đầu tiến hành chiến dịch lớn mới mang tên "Nhành Ôliu" nhằm đánh bật lực lượng YPG khỏi Afrin. Trong ngày đầu tiên, không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trúng 153 mục tiêu, trong đó có các khu vực trú ẩn của các tay súng người Kurd. YPG cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ không kích các khu vực có người dân thường sinh sống và 1 trại dành cho người khuyết tật ở Afrin. Sau đó 1 ngày, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo lực lượng bộ binh nước này đã tiến vào Afrin. Tuy nhiên, một người phát ngôn của YPG ở Afrin đã phủ nhận tuyên bố trên của Ankara. Người phát ngôn này cho biết các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách vượt qua biên giới để vào khu vực này, song đã thất bại sau các cuộc đụng độ ác liệt.

Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với các tay súng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, YPG lại được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, được cho là có vai trò trong việc giúp đánh bật tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ra khỏi các cứ địa tại Syria. Do đó, theo giới phân tích, chiến dịch tấn công mới này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Ankara và Washington tiếp tục leo thang cũng như làm gia tăng quan ngại về bất ổn tại Syria sau 7 năm xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục