Nhóm cổ phiếu trụ cột suy yếu, VN-Index mất lực đỡ giảm hơn 18 điểm

Nhóm cổ phiếu trụ cột suy yếu, VN-Index mất lực đỡ và giảm hơn 18 điểm

Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, VN-Index đóng cửa giảm 18,12 điểm và xuống 1.348,68 điểm; HNX-Index mất 4,86 điểm, về mức 360,97 điểm và UpCoM-Index giảm 0,28 điểm, chốt tại 104,02 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ cột suy yếu, VN-Index mất lực đỡ và giảm hơn 18 điểm ảnh 1(Ảnh: Vietnam+)

Phiên giao dịch ngày 4/5, thị trường chứng khoán mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ trong không khí đầy thận trọng.

Diễn biến giao dịch không mấy tích cực của nhóm cổ phiếu trụ cột đã nhanh chóng tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, áp lực bán gia tăng trên diện rộng đồng thời thiếu vắng lực đỡ đã khiến VN-Index đóng cửa giảm 18,12 điểm và xuống 1.348,68 điểm, HNX-Index mất 4,86 điểm, về mức 360,97 điểm và UpCoM-Index giảm 0,28 điểm, chốt tại 104,02 điểm.

Thanh khoản trên thị trường rất thấp, giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chỉ trên 16.800 tỷ đồng. Toàn thị trường có 514 mã giảm giá, 727 mã đi ngang và 385 mã tăng giá.

Hôm nay, các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, xây dựng, bất động sản nhuộm trong sắc đỏ, tiêu biểu như VCB (-1,24%), CTG (-2,7%), TCB (-4,55%), MBB (-0,32%), ACB (-2,91%), TPB (-4,76%), NVL (-1,83%), BCM (-2,2%)…

Nhìn chung, diễn biến giao dịch nghiêng về bên bán, trong đó nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh nhất với 3,66% giá trị vốn hóa; các nhóm ngành sản xuất nhựa-hóa chất, vật liệu xây dựng, ngân hàng cũng mất trên 2%. Bên cạnh đó, nhóm bất động sản, chăm sóc sức khỏe, thiết bị điện… đã đồng loạt giảm hơn 1%.

Trước đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất của VN-Index (kể từ cuối tháng 8/2021) khi VN-Index rơi 12,5% so với đầu năm và về mức 1.310 điểm.

Đánh giá về xu hướng thị trường trong tháng Năm, nhóm phân tích tại Công ty chứng khoán VNDRECT chỉ ra một số yếu tố hỗ trợ thị trường, như tốc độ hồi phục của nền kinh tế dự báo sẽ tăng tốc trong những quý tới cũng như kết quả kinh doanh khả quan trong quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết (được công bố trong Đại hội cổ đông thường niên).

Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo những yếu tố khách quan vẫn là mối lo ngại thường trực trên thị trường, như căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến và Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm đồng thời Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự định. Thêm vào đó, lạm phát trong nước đang cao hơn dự kiến, điều này có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn khuyến nghị mức định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn và tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Theo VNDIRECT, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán gần đây sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, qua đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Diễn biến giao dịch theo nhóm ngành, ngày 4/5:

Nhóm cổ phiếu trụ cột suy yếu, VN-Index mất lực đỡ và giảm hơn 18 điểm ảnh 2(Nguồn: Vietstock)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục