Nhu cầu sắm Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,73%

Tháng Hai, CPI đã tăng tới 0,73% so với tháng Một đồng thời tăng 3,15% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 1,24% so với tháng 12 năm 2017.
Nhu cầu sắm Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,73% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tháng Hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 0,73% so với tháng Một đồng thời tăng 3,15% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 1,24% so với tháng 12 năm 2017. Như vậy, theo công bố ngày 28/2 của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân hai tháng đầu năm so với cùng kỳ đã tăng 2,9%.


[Thương hiệu SJC giảm nhanh, giá bán quanh ngưỡng 36,80 triệu đồng]

Theo Báo cáo, 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ tính CPI có mức tăng giá, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 1,53%,  nhóm giáo dục tăng thấp nhất 0,02%. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,09% và bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Giá thực phẩm tăng cao

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến muộn và rơi vào thời điểm giữa tháng Hai, theo đó nhu cầu mua sắm hàng hóa bắt đầu tăng cao từ Tết ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) kéo đến ngày 30 Tết, khiến nhiều loại hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng giá.

Trong tháng, giá lương thực đã tăng 1,44% do nhu cầu tiêu dùng của người dân cộng thêm hoạt động thu gom lúa gạo của các thương lái chuẩn bị cho các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonexia và Philippine.

Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng khá cao. Trong đó, giá thịt lợn, thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng 1% - 8%, đặc biệt có địa phương giá thịt lợn tăng trên 7%. Cụ thể, nhóm thực phẩm tăng 1,71% và góp phần tăng CPI chung 0,39%. Thêm vào đó, các mặt hàng về đồ uống, thuốc lá cũng có mức tăng từ 0,5% đến 1,5%.

Nhu cầu sắm Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,73% ảnh 2

Nhu cầu đi, lại tăng đột biến

Điểm đáng nói, tình trạng di dân đột biến tại thời điểm Tết đã khiến giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,34%. Nguyên nhân được bà Ngọc chỉ ra, đó là một số đơn vị vận tải đã kê khai tăng giá vé các chiều đông khách (thời điểm trước Tết là từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là các chiều ngược lại) từ 20%-60% so với giá bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách. Cụ thể, giá vé ô tô khách tăng 5,16% và giá vé tàu hỏa lên 19,26%.

Thời gian gần đây, nhu cầu đi du lịch của người dân trong dịp nghỉ Tết cũng gia tăng, điều này dẫn tới chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,7% so với tháng trước đó.

Ngoài ra, giá dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô tại các địa điểm trung tâm thành phố và đền, chùa lớn tăng mạnh (với mức tăng phổ biến từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/ xe máy và 20.000 đồng - 30.000 đồng/ xe ô tô so với giá trước Tết).

Bên cạnh đó, mặc dù giá xăng-dầu được điều chỉnh giảm (ngày 21/2) song chỉ số giá của nhóm hàng này vẫn tăng 1,15% so với tháng Mộtv và làm tăng CPI chung 0,05%, do vẫn còn ảnh hưởng từ các đợt tăng giá trước đó (ngày 4/1 và ngày 19/1).

Một nguyên nhân khác không thể không kể đến, đó là nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trong trong dịp Tết của người dân tăng cao, khiến giá điện tăng 1,31% và tác động CPI chung tăng 0,03%.


Nhu cầu sắm Tết đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai tăng 0,73% ảnh 3

Giá vàng tăng thế giới

Theo bà Ngọc, giá vàng trong nước tiếp tục biến động theo xu hướng thế giới. Lý do,  đồng USD đang yếu đi nên đã tạo đà tăng cho giá vàng, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.336,1 USD/ounce tăng 0,2% so với tháng Một (tính đến ngày 25/2/2018). Một lý do khác, nhu cầu mua vàng trong ngày Thần Tài của người dẫn khiến chỉ số giá vàng tăng cao 1,83%  (bình quân so với tháng trước). Hiện, giá vàng dao động quanh mức 3,7 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Trong nước, chỉ số giá USD  giảm 0,01%, bình quân giao dịch quanh mức 22.740 đồng/USD.

“Hiện, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khá dồi dào cùng với nhu cầu về ngoại tệ đầu năm của doanh nghệp không cao, đã giúp tỷ giá trong nước giữ ở mức ổn định,“ bà Ngọc nói.

Như vậy trong tháng này, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) đã tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 1,47% so với cùng kỳ.

Việc lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, theo bà Ngọc “điều này phản ánh biến động giá tăng có do yếu tố thị trường, đó phải kể đến giá lương thực, thực phẩm tươi sống, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm so cùng kỳ ở mức 1,32%,  cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”./.

Dịp cận Tết nhu cầu mua sắm tăng cao (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục