Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?
Tác giả Nguyễn Thị Hậu
Nhà xuất bản Hội Nhà văn & Nhã Nam
''Câu hỏi tình cờ nghe được: 'Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?' cứ quanh quẩn trong trí nhớ của tôi rất lâu. Đã bao giờ ta nghĩ vậy khi chia tay một người bạn, một người yêu - chia tay về khoảng cách địa lý hoặc để chấm dứt một quan hệ. Ừ, ta sẽ nói gì khi gặp lại người ấy?... 'Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?'. Đó không phải là một câu hỏi để được nghe câu trả lời, mà là một phỏng đoán, một trông chờ, một hy vọng… Hy vọng còn gặp lại, còn nhận thấy đó vẫn là người thân yêu, còn có gì để nói với nhau.''
Giọng viết nữ nhẹ nhàng, tinh tế, cộng hưởng cùng sự nghiêm cẩn, chuẩn xác của một nhà khoa học lại tiếp tục là điểm hẹn dễ chịu để chúng ta được “gặp lại” nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, gương mặt quen thuộc trên hàng ghế “Hội đồng già” của chương trình ''Giai điệu tự hào.''
Cuốn sách thật ra không chỉ cho ta biết cách nên “nói gì khi gặp lại nhau,” mà là muốn ta trả lời những câu hỏi lớn hơn thế: Chúng ta để lại gì cho tương lai? Còn không, tinh thần Lục Vân Tiên?, xoay quanh nhân vật chính của cuốn sách, cũng là tình yêu đặc biệt của tác giả: Sài Gòn.
Trần Khánh Dư
Tác giả Lưu Sơn Minh
Đông A & Nhà xuất bản Văn học
''Chỉ thương nhớ là không nguôi! Không thể nào nguôi… Cứ mỗi lần vượt qua một ải, mỗi lần có chuyện được như ý, ta lại nhớ tới người ấy. Ta những mong người ấy có ở cạnh ta để chia sẻ ngọt bùi. Tỷ như lúc này. Ta muốn ở cạnh người ấy biết bao. Ta muốn được nghe người ấy mừng ta vừa đại thắng đốt sạch thuyền lương của giặc. Chỉ những lời chúc của người ấy mới làm ta thực sự vừa lòng…'' - Bi kịch của một danh tướng, giữa những “cửa ải” khó vượt của đời mình, là thất bại chỉ riêng mình ông biết: ''Ta vừa thắng một trận thắng lớn. Nhưng với riêng mình, ta lại thua… Ta luôn bó tay trước chính mình. Ta không thể nào nguôi nổi nhớ thương, càng không thể quên được những giọt nước mắt của người mà dẫu đôi khi vẫn gặp nhưng đã như xa cách muôn vạn dặm…''
Một cảm thức nặng lòng với quá khứ, như chính tác giả cuốn sách dày gần 300 trang khổ lớn này: một người viết thuộc thế hệ 7X, nhưng chỉ chuyên viết đề tài lịch sử, trong cái nhìn của một người trẻ.
Ghét, thân, thương, yêu, cưới
Tác giả Alice Munro - Nobel Văn chương 2013
Người dịch Trần Hạnh, Đặng Xuân Thảo, Hạnh Mai
Nhã Nam & Nhà xuất bản Văn học
''Cô thấy mình thật ngốc vì đã nói đến đám cưới, trong khi anh chưa hề đả động tới việc ấy, và đáng ra cô phải nhớ điều đó. Hai người đã nói, đúng hơn là viết cho nhau, quá nhiều điều khác, bày tỏ tình cảm và nỗi nhớ nhung, khiến việc cưới xin cụ thể dường như đã bị bỏ qua. Kiểu như người ta nói buổi sáng sẽ dậy như thế nào mà không nhắc đến ăn sáng, dù chắc chắn là có định ăn sáng…''
“Bậc thầy truyện ngắn đương đại,” chủ nhân giải Nobel 2013 kể về một chuyện tình như bao chuyện tình, nhưng vẫn thấm đẫm dấu ấn văn chương riêng có ở bà: “Vừa thấm thía vừa gay gắt, vừa hài hước vừa u hoài, vừa mỉa mai vừa kịch tính” (Library Journal).
Quan sát tinh tường, tỉ mỉ; giọng kể khách quan, có phần sắc lạnh mà vẫn ngầm chứa một cái nhìn ấm áp là sở trường của nữ nhà văn người Canada này. Vì thế, “trong tay Munro, cũng giống như trong tay Chekhov, một truyện ngắn cũng thừa đủ lớn để ôm trọn cả thế giới và khiến ta sửng sốt, hết lần này đến lần khác” (Chicago Tribune)…/.