Những đại kỵ khi ăn măng cụt mà bạn cần biết

Một số chất dinh dưỡng trong măng cụt không tương thích với các chất trong sữa đậu nành và bia vì vậy nếu uống bia, sữa đậu nành sau khi ăn măng cụt có thể gây buồn nôn, đau bụng.

Măng cụt có vị thơm ngon, ngọt mát. (Ảnh: Vietnam+)
Măng cụt có vị thơm ngon, ngọt mát. (Ảnh: Vietnam+)

Măng cụt là một loại trái cây nhiệt đới được rất nhiều người yêu thích, có vị thơm ngon, ngọt mát. Trong măng cụt chứa nhiều chất đạm, canxi, sắt, photpho,.. nên rất tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, ngoài phần ruột màu trắng chúng ta thường ăn, phần vỏ màu tím sậm cũng được dùng như một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

1. Ăn trái măng cụt có tác dụng gì?

Là một loại trái cây tự nhiên, ở Việt Nam, măng cụt được sử dụng như một loại quả tráng miệng thơm ngon, ngọt thanh. Tuy nhiên, măng cụt có tác dụng gì thì không phải ai cũng biết.

Chống lão hóa

Trong vỏ măng cụt có chứa hàm lượng cao chất kháng thể xanthones có tác dụng ngăn ngừa lão hóa, hạ cholesterol xấu, đồng thời ngăn ngừa sự hình thành các tế bào sợi có nguy hại với sức khỏe.

Làm đẹp da

Măng cụt là nguồn bổ sung dồi dào các vitamin A, C, E giúp cơ thể chống lại sự lão hóa, cung cấp độ ẩm, hạn chế sự hình thành nếp nhăn trên bề mặt da, cho bạn làn da đẹp mịn màng và tươi trẻ.

vnp-mang cut4.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Ổn định đường huyết

Hoạt chất Proanthocyanidin và axít tannic trong măng cụt đã được chứng minh là có tác dụng ổn định đường huyết rất tốt, đặc biệt trên những bệnh nhân bị tiểu đường type 2.

Phòng ngừa ung thư

Vỏ quả măng cụt chứa hàm lượng các xanthones cao (chất thuộc nhóm chống oxy hóa, có nguồn gốc từ thực vật) nên có tác dụng kháng viêm mạnh mẽ và hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư.

Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Theo một nghiên cứu, trong măng cụt có chứa chất giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, củng cố hệ thống tuần hoàn và hạn chế nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.

Hỗ trợ giảm cân

Ruột của quả măng cụt hay còn gọi là phần thịt có màu trắng, vị ngọt hoặc hơi chua nhẹ, mùi thơm, mọng nước, tính mát, trong có chứa nhiều canxi, chất xơ, đạm và sắt. Tuy nhiên, hàm lượng calo trong măng cụt tương đối thấp, do đó dù bạn có ăn nhiều măng cụt thì cũng không gây ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể mà còn hỗ trợ quá trình giảm cân rất tốt.

Trị viêm da

Chiết xuất từ vỏ quả măng cụt có tác dụng điều trị hiệu quả các bệnh ngoài da như chàm, viêm da, mụn trứng cá, vẩy nến và ngứa mà ít gây ra phản ứng phụ.

Trị tiêu chảy

Không chỉ phần thịt quả ăn thơm ngon mà vỏ của măng cụt cũng là một loại thuốc. Dùng vỏ măng cụt phơi khô kết hợp với vỏ cây cây ổi, nấu với 300ml nước để lấy nước uống có thể giúp điều trị bệnh tiêu chảy. Bạn có thể chia uống 2 lần trong ngày.

vnp-mang cut6.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Bảo vệ sức khỏe răng miệng

Măng cụt giúp làm giảm tình trạng viêm nha chu - là một dạng của bệnh nướu răng, tương đối hiệu quả, giúp kháng khuẩn và đem lại hơi thở thơm tho hơn.

Giúp xương chắc khỏe

Các khoáng chất như magie, vitamin D, sắt và protein tìm thấy trong măng cụt hỗ trợ cơ thể đảm bảo sự phát triển bình thường của xương, tăng trưởng chiều cao đặc biệt là tốt với trẻ em.

2. Ăn quá nhiều măng cụt có gây hại không?

Mặc dù chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng nếu ăn cùng lúc quá nhiều, măng cụt sẽ mang đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm:

Gây dị ứng

Măng cụt là loại quả có thể gây dị ứng cho người sử dụng với những biểu hiện như ngứa, phát ban, nổi mày đay, mẩn đỏ trên da và sưng.

Nếu người có cơ địa quá nhạy cảm, phản ứng dị ứng xảy ra mạnh có thể dẫn đến tức ngực, cảm giác đau đớn, sưng nhiều ở miệng họng.

Táo bón, tiêu chảy

Với những bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, việc ăn quá nhiều măng cụt sẽ làm nặng hơn tình trạng táo bón; có nguy cơ dẫn tới biến chứng liệt dạ dày trên người có bệnh tiểu đường.

Gây nhiễm axít lactic

Việc ăn quá nhiều măng cụt trong thời gian dài có thể dẫn đến sự tích tụ bất thường của axít lactic trong máu, có biểu hiện thường gặp nôn, buồn nôn, suy giảm sức khỏe toàn thân. Tình trạng này có thể dẫn đến sốc nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

vnp-mang cut3.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

Ảnh hưởng đến quá trình đông máu

Hợp chất xanthone trong măng cụt có thể gây cản trở quá trình đông máu diễn ra bình thường. Nó cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu như warfarin và gây xuất huyết tiêu hóa.

Do làm chậm đông máu, các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân không nên ăn măng cụt trước khi phẫu thuật vì có thể tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc sau khi phẫu thuật.

Cản trở quá trình điều trị ung thư

Một số nghiên cứu đã chứng minh ảnh hưởng của măng cụt đến quá trình hóa trị liệu và xạ trị cũng như thuốc hóa trị. Điều này xảy ra do một số loại thuốc hóa trị liệu phụ thuộc vào việc sản xuất các gốc tự do để chiến đấu và tiêu diệt khối u.

Các chất chống ôxy hóa mạnh mẽ có trong măng cụt chống lại và loại bỏ các gốc tự do gây trở ngại trong điều trị ung thư. Gây độc thần kinh

Xanthone có trong măng cụt chính là thủ phạm gây độc cho cơ thể, làm ức chế hệ thần kinh trung ương. Hàm lượng hoạt chất này càng cao thì tình trạng nhiễm độc thần kinh càng xảy ra nhanh và mạnh hơn.

Gây bệnh đa hồng cầu

Măng cụt có khả năng làm tăng khối lượng của hồng cầu trong cơ thể. Khi bổ sung quá nhiều măng cụt, tình trạng rối loạn hoạt động của tủy xương xảy ra dẫn đến sự sản xuất quá nhiều các tế bào hồng cầu gây bệnh đa hồng cầu.

Ngoài ra, măng cụt còn có thể gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ, đau đầu nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, khó thở, đau bụng, đau khớp...

Đặc biệt, không nên sử dụng nhiều măng cụt trên trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú hay những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng với các loại hoa quả trái cây.

3. Măng cụt kỵ gì?

Cũng như nhiều loại trái cây khác, có một số thực phẩm, đồ uống không nên ăn/uống cùng măng cụt để tránh gây hại cho sức khỏe. Vậy măng cụt kỵ gì?

Bia, sữa đậu nành

Một số chất dinh dưỡng trong măng cụt không tương thích với chất trong sữa đậu nành và bia. Uống bia, sữa đậu nành sau khi ăn măng cụt có thể gây buồn nôn, đau bụng.

Đường cát

Măng cụt và đường cát kết hợp với nhau có thể gây đau bụng, đau cơ, khớp, đau đầu nhẹ, buồn nôn, khó thở, chóng mặt.

Nước có ga

Ăn măng cụt và uống nước có ga có thể gây hại cho đường tiêu hóa. Hàm lượng axít cao trong măng cụt khi kết hợp cùng đường tinh luyện trong nước có ga sẽ tạo thành các chất hóa học độc hại, có thể khiến cơ thể gặp phải các hiện tượng như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đầy hơi, khó tiêu.

Không nên ăn măng cụt trước bữa ăn

Do măng cụt có tính axít cao nên có thể gây hại cho dạ dày nếu ăn vào lúc đói. Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn măng cụt sau bữa ăn như một loại trái cây tráng miệng.

vnp-mang cut2.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

4. Những người không nên ăn măng cụt

Dù rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn măng cụt. Vậy, những đối tượng nào không nên ăn loại trái cây này?

Người hay bị dị ứng

Do ăn quá nhiều măng cụt có thể gây dị ứng như nổi mề đay, mẩn đỏ da, sưng, ngứa nên nếu bạn là người hay bị dị ứng thì hãy hạn chế sử dụng măng cụt quá nhiều và nên ngừng ăn măng cụt ngay lập tức nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào nói trên để đảm bảo sức khỏe.

Bệnh nhân ung thư

Bởi vì măng cụt có thể ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của liệu pháp xạ trị cũng như thuốc hóa trị nên bệnh nhân ung thư có thể sử dụng những loại trái cây khác thay vì ăn măng cụt để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhất.

Người bị bệnh về tiêu hóa

Với những người có bệnh về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy,... hoặc hệ tiêu hóa kém nên hạn chế ăn măng cụt.

Người bị bệnh đa hồng cầu

Đa hồng cầu là một rối loạn khi tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu, dẫn đến tăng số lượng hồng cầu trong máu. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này nên tránh sử dụng măng cụt.

vnp-mang cut5.jpg
(Ảnh: Vietnam+)

5. Một số lưu ý khi chọn mua măng cụt

Để chọn được trái măng cụt thơm ngon, bạn cần chú ý một số điều sau:

- Hãy đếm số cánh hoa ở dưới đáy quả để biết quả măng cụt đó có bao nhiêu múi. Quả càng ít múi càng ngon

- Những trái măng cụt có vỏ sần sùi nhưng sờ mềm tay sẽ ngon hơn những quả có vỏ quá cứng.

- Những trái có kích thước vừa phải thường ngon hơn những trái quá to./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục