Những nguyên nhân cản trở sự phục hồi kinh tế ở Mỹ Latinh

Phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế vốn đã suy yếu của khu vực Mỹ Latinh.
Những nguyên nhân cản trở sự phục hồi kinh tế ở Mỹ Latinh ảnh 1Lễ tưởng niệm những người tử vong do COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Brazil và Mexico đang nỗ lực dẫn dắt khu vực Mỹ Latinh thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, những yếu kém kinh niên về mặt kinh tế đang khiến khu vực này phải đối mặt với viễn cảnh không mấy sáng sủa.

Mỹ Latinh trở thành vùng tâm dịch COVID-19 của toàn cầu kể từ đầu tháng 6/2020. Mặc dù dân số của khu vực này chỉ chiếm 8% dân số thế giới, song số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại đây đã chiếm hơn 40% số ca tử vong toàn cầu.

Phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế vốn đã suy yếu của khu vực.

[Mỹ Latinh và Caribbe nguy cơ thụt lùi một thập niên do COVID-19]

Trong khi Brazil và Mexico thực hiện cách tiếp cận “phóng khoáng” đối với dịch COVID-19, hầu hết các nền kinh tế khác trong khu vực đều bị tê liệt bởi các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và kéo dài hơn nhiều so với lệnh phong tỏa ở các nước châu Âu và châu Á.

Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) Eric Parrado cho biết Mỹ Latinh đang trải qua giai đoạn bất thường bởi khu vực này phải đương đầu với "3 nút dừng đột ngột:" Người dân phải tạm dừng các hoạt động thông thường do giãn cách xã hội và hạn chế đi lại; các hoạt động thương mại sụt giảm nghiêm trọng; dòng vốn đầu tư nước ngoài và lượng kiều hối ở mức thấp chưa từng có.

Ông Parrado nhận định khu vực Mỹ Latinh và Caribe vào năm 2020 giống như “một chiếc máy bay đang vận hành với hai động cơ bị hỏng.”

Đầu tiên, các vấn đề kinh tế đã tồn tại từ trước, chẳng hạn như khủng hoảng xã hội ở một số quốc gia, năng suất và tăng trưởng thấp, cùng với sự chia rẽ chính trị sâu sắc. Động cơ bị hỏng thứ hai chính là đại dịch COVID-19.

Theo Ngân hàng Bank of America (BoA), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn khu vực Mỹ Latinh và Caribe được dự báo sẽ giảm 8,2% trong năm nay, một kết quả tồi tệ hơn nhiều so với khu vực Trung Đông, châu Phi hay châu Á.

Những nguyên nhân cản trở sự phục hồi kinh tế ở Mỹ Latinh ảnh 2Người vô gia cư trên một đường phố ở Buenos Aires,Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thậm chí, BoA cho rằng trong năm 2021, sự phục hồi của Mỹ Latinh thậm chí cũng không đủ để bù đắp một nửa số sản lượng bị mất khi GDP chỉ có thể tăng khoảng 3,5%.

Marcos Casarin, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Mỹ Latinh tại Trung tâm dự báo và phân tích các vấn đề kinh tế Oxford Economics, cho biết các biện pháp giãn cách xã hội ở Mỹ Latinh đủ hiệu quả để bóp nghẹt nền kinh tế, nhưng không đủ hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Mexico và Brazil đưa ra các biện pháp phục hồi kinh tế nhanh hơn tất cả các nước khác trong khu vực. Những dự báo gần đây cho thấy GDP của Brazil sẽ chỉ giảm khoảng 5% trong năm nay, thay vì 7-8% như những dự đoán trước đó. Các dự báo dành cho năm 2021 cũng cho thấy mức tăng trưởng của nền kinh tế Brazil ở mức hơn 3%.

Ông Casarin cảnh báo mặc dù phục hồi nhanh hơn dự báo, song nền kinh tế của Brazil và Mexico đều sẽ phải đối mặt với một năm 2021 khó khăn hơn nhiều. Ông cho rằng nền kinh tế của Mexico có thể sẽ phục hồi sớm hơn so với các nước khác.

Tuy nhiên, các vấn đề tồn tại từ trước sẽ bắt đầu thể hiện “vai trò.” Mexico đã không có các khoản đầu tư tư nhân trong vòng 8 quý liên tiếp trước khi bùng phát đại dịch.

Liệu quốc gia này có thể giải quyết được vấn đề trên ở thời kỳ hậu COVID-19 hay không? Câu trả lời có lẽ là không.

Brazil bước vào khủng hoảng với nền tài chính công yếu kém và Tổng thống Jair Bolsonaro đứng trước lựa chọn không thể tránh khỏi trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2022, đó là hoặc phải rút bớt chi tiêu bổ sung của chính phủ để giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng hoặc giữ nguyên khoản chi tiêu đó bất chấp mức nợ công tăng cao, gây nguy cơ khủng hoảng thị trường tài chính.

Trong khi đó, Argentina, nền kinh tế lớn thứ ba của Mỹ Latinh, đã rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Biện pháp cách ly xã hội chống dịch COVID-19 được ban hành từ ngày 20/3, vốn chưa thể giúp quốc gia Nam Mỹ này ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh, song lại khiến nền kinh tế tiếp tục “hôn mê sâu” với GDP dự kiến sẽ giảm 11,5% trong năm nay.

Các nền kinh tế lớn khác trong khu vực là Colombia, Chile và Peru, cũng sớm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Họ hy vọng có thể bắt kịp thành công của châu Âu trong việc nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh, nhưng lại không thể lường trước được việc các khu vực kinh tế phi chính thức và các khu ổ chuột đông dân cư ở đô thị sẽ phá hoại chiến lược này khủng khiếp đến mức nào.

Peru được quốc tế ca ngợi vì đã đưa ra lệnh phong tỏa cứng rắn từ sớm, đồng thời công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế để giúp đỡ người nghèo. Nhưng dù vậy, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, dịch COVID-19 đã tấn công khắp các chợ thực phẩm của nước này, khiến số ca tử vong trên tổng số người nhiễm bệnh ở Peru cao thứ hai thế giới, chỉ sau Bỉ.

Kết quả là, nền kinh tế Peru đã sụt giảm 30,2% trong quý 2/2020 so với cùng kỳ năm ngoái - một trong những đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đang phục hồi nhanh chóng và được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh trong năm tới. Ông Casarin tin rằng đây sẽ là một trong những quốc gia có sự phục hồi kinh tế tốt nhất khu vực trong cuộc khủng hoảng COVID-19 nói chung.

Vì những lý do tương tự, Chile cũng có khả năng thoát khỏi tình trạng kiệt quệ gây ra bởi dịch COVID-19 với "phong độ" tốt hơn hầu hết các nước láng giềng.

Trong khi đó, Colombia sẽ bị kiềm hãm bởi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong tăng cao, cùng với đó là phản ứng yếu kém trong lĩnh vực tài chính.

Theo chuyên gia kinh tế Parrado, các nhà lãnh đạo trong khu vực cần lấy cuộc khủng hoảng COVID-1àm lời cảnh tỉnh để giải quyết các vấn đề đã tồn tại lâu nay.

Ông Parrado nhấn mạnh: “Các nước Mỹ Latinh cần các nguồn tăng trưởng mới và cần phải tăng trưởng nhanh chóng, đồng đều và bền vững”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục