Những nhận định ban đầu về chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2019

Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới với mức 732 tỷ USD trong năm 2019. Đứng thứ hai là Trung Quốc với 261 tỷ USD (tăng 5,1%) và chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Những nhận định ban đầu về chi tiêu quốc phòng toàn cầu 2019 ảnh 1Tàu khu trục USS Ramage của Hải quân Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thestar.com.my/scmp.com đưa tin giới nghiên cứu quân sự mới đây cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 đã tăng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên có hai nước châu Á “lọt” trong top 3 nước có chi tiêu quốc phòng cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, mức chi tiêu này được dự báo sẽ sụt giảm trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 đạt mức 1.910 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2018.

[Mỹ muốn trang bị tên lửa siêu vượt âm cho tàu ngầm]

Nhóm tác giả của báo cáo trên cho rằng chi tiêu quân sự dường như đã đạt đỉnh trong năm 2019, song sẽ “rớt” đỉnh này trong năm 2020 do tác động của cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Nan Tian, chuyên gia nghiên cứu tại SIPRI, đánh giá: “Chi tiêu quân sự đã đạt mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Chúng ta có thể coi (mức chi tiêu trong năm 2019) là đỉnh vì suy thoái kinh tế liên quan COVID-19 sẽ gây ra tác động to lớn đối với ngân sách của các nước, trên mọi phương diện chi tiêu trong năm 2020.”

Mặc dù thừa nhận rằng “chi tiêu quân sự đã gia tăng trong những năm gần đây,” song chuyên gia Tian lưu ý rằng xu hướng này có thể bị đảo ngược do tác động của đại dịch COVID-19 kèm theo những tác động về mặt kinh tế.

Tian giải thích rằng khi thế giới có nguy cơ tiến tới một cuộc suy thoái toàn cầu, thì chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc vấn đề chi tiêu quân sự trong mối tương quan với các lĩnh vực khác như chăm sóc y tế và giáo dục.

“Nhiều khả năng là điều này sẽ tác động đến chi tiêu quân sự,” ông Tian khẳng định.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói rằng bằng chứng lịch sử cho thấy khả năng sụt giảm chi tiêu quân sự có thể sẽ không kéo dài, đồng thời nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 từng khiến chi tiêu quân sự giảm trong những năm tiếp theo đó vì các nước, nhất là châu Âu, đã thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng.”

Tian nói: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến cắt giảm chi tiêu diễn ra trong khoảng từ 1-3 năm rồi sau đó sẽ tăng trở lại trong những năm sau đó."

Trở lại mức chi tiêu quân sự trong năm 2019, báo cáo trên cho thấy động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chi tiêu quân sự là nhờ “top 3” nước chi tiêu lớn nhất thế giới, đứng đầu là Mỹ, tiếp đến lần lượt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn là nước chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới với mức 732 tỷ USD trong năm 2019, tăng 5,3% so với năm 2018, chiếm 38% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.

Đứng thứ hai là Trung Quốc với 261 tỷ USD (tăng 5,1%) và chiếm 14% chi tiêu quân sự toàn cầu. Thứ ba là Ấn Độ với mức chi tiêu 71,1 tỷ USD (tăng 6,8%). Tiếp đến là Nga và Saudi Arabia.

Báo cáo nhấn mạnh rằng việc hai quốc gia châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong “top 3” là điều đáng lưu ý.

Mặc dù mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc trong vòng 25 năm qua đã theo sát tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này, song khoản tiền đổ vào lĩnh vực quân sự bộc lộ tham vọng trở thành một “cường quốc quân sự tầm cỡ thế giới.”

Chuyên gia Tian lưu ý: “Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ muốn cạnh tranh với vị thế siêu cường quân sự của Mỹ."

Trong khi đó, việc Trung Quốc tăng cường chi tiêu quốc phòng cũng phần nào giải thích sự trỗi dậy của Ấn Độ.

Trong một tuyên bố, chuyên gia nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman bình luận: “Mối quan hệ căng thẳng cũng như đối địch của Ấn Độ với cả Trung Quốc lẫn Pakistan là những động lực chính cho sự gia tăng chi tiêu quân sự của New Delhi."

Ngoài ra, báo cáo trên cũng cho thấy 5 nước chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới, trong đó có Nga và Saudi Arabia, đã chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quân sự.

Trong khi đó, các nước như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc, nằm trong số 10 nước có mức chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới.

Đáng lưu ý là mức chi tiêu quân sự của Đức năm 2019 đã đạt 49,3 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, mức tăng phần trăm lớn nhất trong số 15 nước chi tiêu quân sự hàng đầu.

Theo tác giả báo cáo, việc Đức gia tăng chi tiêu phần nào là do ngày càng nhận thức được mối đe dọa từ Nga, và Berlin đã đẩy mạnh mức chi tiêu quân sự của mình tiệm cận với mức tiêu chuẩn 2% GDP của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Số liệu của báo cáo trên được tính toán dựa trên các thông số về tiền lương chi trả cho binh sỹ, chi phí hoạt động, mua sắm khí tài cũng như chi phí cho công tác nghiên cứu và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục