Những tín hiệu lạc quan từ vòng tái đàm phán NAFTA lần thứ 6

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông từng nghĩ rằng nếu không thể đàm phán thì Mỹ sẽ xóa bỏ NAFTA, tuy nhiên, hiện "đàm phán đang diễn ra khá tốt đẹp, chúng ta sẽ chờ xem kết quả ra sao."
Những tín hiệu lạc quan từ vòng tái đàm phán NAFTA lần thứ 6 ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal tại vòng thứ nhất tái đàm phán NAFTA ở Washington D.C., (Mỹ) ngày 16/8/2017. (Nguồn: THX/TTXVN)

Bước vào ngày làm việc đầu tiên 23/1 của vòng tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thứ 6 giữa Mỹ, Canada và Mexico, khai mạc tại thành phố Montreal của Canada, giới chức các nước đã phát đi những tín hiệu tích cực.

Phát biểu từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông từng nghĩ rằng nếu không thể đàm phán thì Mỹ sẽ xóa bỏ NAFTA. Tuy nhiên, hiện "đàm phán đang diễn ra khá tốt đẹp, chúng ta sẽ chờ xem kết quả ra sao."

Nhận định của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến đồng peso của Mexico "lấy lại đà" sau một thời gian mất giá.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Canada Steve Verheul cũng bày tỏ lạc quan rằng vòng đàm phán này sẽ đạt tiến bộ. Theo ông, Canada mang đến vòng đàm phán này nhiều "ý tưởng mới, chiến lược sáng tạo nhằm thu hẹp khoảng cách trên bàn đàm phán."

Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán của Mexico Ken Smith cũng hy vọng đạt tiến bộ trong những lĩnh vực ít tranh cãi hơn như viễn thông, các giải pháp chống tham nhũng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong một thông báo tới khách hàng, ngân hàng Morgan Stanley cho biết Mỹ đang có động lực để duy trì cam kết trong NAFTA. Ngân hàng này bày tỏ tin tưởng rằng khả năng Mỹ sẽ rời hiệp định này trong những tháng tới là rất thấp.

Ba nước Bắc Mỹ đang chạy đua với thời gian để cho ra đời một NAFTA phiên bản mới trước tháng 3, thời điểm sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Mexico. Hiện các nước đang bất đồng về đề nghị của Mỹ nhằm thay đổi các cơ chế giải quyết tranh chấp.

Theo những người trong cuộc, Canada và Mexico đã sẵn sàng đưa ra lập trường mềm dẻo, linh hoạt hơn đối với một đề nghị của Mỹ về tăng hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm ôtô nhằm tăng giá trị cho quy chế miễn thuế trong NAFTA.

NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia này đạt trên 1.200 tỷ USD trong năm 2017. Hiệp định thương mại này liên tục bị Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích là "thảm họa" và là nguyên nhân lấy đi hàng chục nghìn việc làm tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục