Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm, các tăng ni, phật tử cùng du khách thập phương lại nô nức kéo về chùa Bái Đính để chiêm bái, lễ phật, cầu nguyện cho năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Mùa lễ hội chùa Bái Đính được diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm.
Đây là năm thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ khai hội chùa Bái Đính kể từ khi Quần thể Danh thắng Tràng An, nơi có chùa Bái Đính tọa lạc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Sự kiện này đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của chùa Bái Đính trong đời sống tâm linh của người dân.
Thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, Chùa Bái Đính Ninh Bình nằm ở cửa ngõ phía tây Cố đô Hoa Lư ngày trước. Chùa nằm yên bình nơi sườn núi Bái Đính với chung quanh là những thung lũng mênh mông và những hồ, đầm lăn tăn sóng gợn và những dãy núi đá vôi.
Chùa Bái Đính đã tồn tại hơn 1.000 năm qua giữa vùng đất cố đô Hoa Lư, gắn liền với ba triều đại phong kiến lớn của nước ta giai đoạn trước, bao gồm nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý.
[Gần 400.000 lượt khách du lịch đến Ninh Bình dịp Tết Quý Mão]
Chùa được xây dựng từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Chung quanh chùa còn có vô vàn những công trình kiến trúc đẹp và có ý nghĩa tâm linh như Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Bàn thờ Thánh Cao Sơn.
Chùa là nơi gắn liền với những giai thoại và các tích xưa cũ về Thiền sư Nguyễn Minh Không vang danh khắp trời Nam ngày trước. Chính ông là vị cao tăng đặt nền móng cho Phật giáo, đồng thời cho tiến hành xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật tại nơi này.
Tương truyền rằng vào thời Lý, Đức Thánh Nguyễn Minh Không đã đến núi Bái Đính tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua. Ông nhận ra rằng đây là vùng đất tiên cảnh, có thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật. Ngoài ra, rừng núi nơi đây cũng có vô vàn cây thuốc quý, thế nên ông đã quyết định dừng chân và xây chùa tại đây.
Sở dĩ chùa được đặt tên là Bái Đính là bởi vì, theo quan niệm người xưa, Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái đất thời, Tiên Phật. Trong khi đó, Đính lại có nghĩa là đỉnh, là tọa lạc nơi cao. Bởi thế nên Bái Đính chó nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ngự ở trên cao.
Ngoài ra, tên chùa còn có ý nghĩa là hướng về núi Đính - ngọn núi gắn liền với những sự kiện oai hùng của lịch sử nước ta thời kỳ trước. Dẫu thời gian thoi đưa, dẫu vùng đất này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nước nhà thì Chùa Bái Đính vẫn oai linh đứng vững mặc cho sương gió bụi trần.
Là ngôi chùa rộng nhất nước ta, Chùa Bái Đính Ninh Bình có diện tích lên đến 539ha, trong đó khu chùa Bái Đính mới rộng 80ha và khu chùa cổ rộng 27ha cùng các công trình khác.
Tổng thể kiến trúc của Chùa Bái Đính ngày nay được xem như một quy chuẩn, thước đo chuẩn mực cho kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam.
Chùa Bái Đính mới hiện nay có quy mô rộng hơn với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cổng tam quan, Gác chuông, Điện Quán Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo tháp, Hành lang La Hán.
Đồng thời, chùa cũng là nơi được vinh danh nhiều cái ‘nhất’ hiện nay, bao gồm: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam, có Bảo tháp cao nhất châu Á, có khu chùa rộng nhất việt Nam, hành lang La Hán dài nhất châu Á...
Lễ hội chùa Bái Đính năm 2023 được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình khai hội ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Bái Đính cho biết lễ hội chùa Bái Đính gồm có 2 phần: lễ và hội.
Phần lễ thực hiện các nghi thức như dâng hương cầu quốc thái dân an, dâng lục cúng dàng lên chư Phật; tưởng nhớ công đức của đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn.
Trong phần hội có các nghi thức rước kiệu bài vị thờ thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, Bà chúa Thượng Ngàn và rước kiệu lên chùa cổ./.