Xuất khẩu tăng, trong khi nhập siêu cũng được kiểm soát dưới chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, đây chính là điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2017.
Nhiều mặt hàng được lợi về giá
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 32,17 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng khoảng 5,1% của 7 tháng đầu năm 2016.
Đáng chú ý, yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của xuất khẩu khối này là tăng trưởng của nhóm hàng nông sản, thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ.
Theo phân tích, mặt hàng thủy sản tăng trưởng cao do thời gian qua đã có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu sản phẩm và thị trường xuất khẩu thủy sản.
Làm rõ hơn, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng của mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra chậm lại nhưng sản lượng cá ngừ, bạch tuộc và hải sản khác đồng loạt tăng mạnh, giúp tạo mức tăng ấn tượng của ngành thủy sản.
Trong khi đó, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tiêu thụ sang khu vực lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc khiến các xuất khẩu thủy sản vào các thị trường này tăng trên dưới 30%.
Điểm nhấn tiếp theo phải kể đến mặt hàng rau quả, qua 7 tháng, mặt hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,96 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ và là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhân trong nhóm nông, lâm, thủy sản.
"Nguyên nhân tăng trưởng cao do công tác phát triển, mở cửa thị trường trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này. Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia...," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, một số mặt hàng cũng có mức tăng mạnh, đơn cử: máy vi tính, điện tử và linh kiện tăng 43,3%; sắt thép các loại tăng 47,9; điện và dây cáp điện tăng 36,1% và chất dẻo nguyên liệu tăng 33,6%…
Về giá xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tăng mạnh nhất là cao su tăng 41%, than đá tăng 38,1%, và dầu thô tăng 21,2%, càphê tăng 29%, nhân điều tăng 27%…
Như vậy, giá xuất khẩu tăng kéo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực tăng thêm 739 triệu USD, nhóm nhiên liệu, khoáng sản tăng 505,6 triệu USD.
Nhập siêu sẽ thấp hơn chỉ tiêu đề ra
Qua 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, tương đương mức tăng tuyệt đối khoảng 22,9 tỷ USD.
Trong đó, nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu khoảng 21,4 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nhóm máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,2 tỷ USD, tăng 27,4% và nhóm điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 7,34 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm]
Một số thị trường nhập khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm 2017 bao gồm: châu Á tăng 23,9%; châu Âu tăng 14,2%; châu Mỹ tăng 21% và châu Phi tăng 44,5%.
Sau 7 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, chiếm 2,7% kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước duy trì mức nhập siêu là 14,77 tỷ USD. Trong khi đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có mức thặng dư thương mại khoảng 11,7 tỷ USD.
Từ những điểm sáng về hoạt động xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cũng đưa ra những dự báo khả quan cho việc hoàn thành kế hoạch trong năm 2017.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn mục tiêu 3,5% của Quốc hội đề ra)./.
- Biểu đồ xuất khẩu một số mặt hàng thuộc nhóm nông, lâm, thủy sản: